Tin tức sự kiện

Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2018 của thành phố Hà Nội
Ngày đăng 04/01/2018 | 4:44 PM  | View count: 14574

Ngày 28/12/2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 8956/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước (CCHC) năm 2018 của thành phố Hà Nội.

Kế hoạch CCHC của Thành phố nhằm tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các nội dung CCHC theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch CCHC năm 2018 của Thành phố, phấn đấu có nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong tố chức và hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần triển khai hiệu quả chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”. Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết TW6 khóa XII, gắn với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương. Đẩy mạnh đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ công, trong đó chú trọng đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Duy trì Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của Thành phố năm 2018 thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Theo đó, năm 2018 Thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Về công tác chỉ đạo, điều hành: 100% thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện CCHC và chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả công tác CCHC ở cơ quan, đơn vị mình quản lý; 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm tra công tác CCHC với các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, đảm bảo các nhiệm vụ CCHC được thực hiện toàn diện, nghiệm túc, hiệu quả; 100% UBND cấp xã được chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC.

Các văn bản QPPL do Thành phố ban hành đảm bảo kịp thời, đúng thể thức, trình tự, thẩm quyền, không trái với văn bản cấp trên và phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố.

Năm 2018, cung cấp 55% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phấn đấu đến năm 2020, 100% TTHC thực hiện dịch vụ công trục tuyến mức độ 3, mức độ 4; 100% TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị đuợc thực hiện thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 100% TTHC được công khai, minh bạch theo quy định. Các quyết định, chính sách, TTHC được công khai, minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng trên trang thông tin điện tử của sở, ngành; UBND quận, huyện, thị xã; Duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 95%.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối các tổ chức của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII gắn với tinh giản biên chế. Trong đó, tập trung rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách.

Rà soát, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã. Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”; triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho cán bộ là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, đảm bảo đến năm 2020, 100% cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án đào tạo công chức nguồn của Thành phố. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện cải cách TTHC; xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị và địa phương tùy tiện đặt ra các quy định trái pháp luật, thẩm quyền, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân.

Đối với cải cách tài chính công: 100% các đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính thực hiện đúng kế hoạch của UBND Thành phố, giảm cơ cấu chi thường xuyên, tạo cơ sở để đến năm 2020, cơ cấu chi thường xuyên giảm xuống còn 50% - 52% tổng chi ngân sách địa phương.

100% các văn bản, tài liệu chính thức giao dịch giữa các cơ quan nhà nước Thành phố , với cơ quan Trung ương hoàn toàn bằng điện tử (trừ văn bản không chuyển qua mạng theo quy định); 100% cơ quan HCNN Thành phố sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố; Nâng tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng của các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp, đăng ký kinh doanh tối thiểu đạt 80%; các dịch vụ công khác phấn đấu đạt 50%; 100% các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bằng hình thức giao dịch điện tử...

Tải Quyết định số 8956/QĐ-UBND của UBND Thành phố