Chuyển đổi số

Đoàn công tác chính quyền Thủ đô Viêng Chăn nghiên cứu, khảo sát thực tế công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và phân cấp, ủy quyền tại Sở Nội vụ Hà Nội
Ngày đăng 06/08/2024 | 6:19 PM  | View count: 1439

Chiều ngày 06/8/2024, Sở Nội vụ Hà Nội tiếp Đoàn công tác chính quyền Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Sở Nội vụ Hà Nội. Nội dung trao đổi kinh nghiệm tập trung công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, phân cấp, ủy quyền và xây dựng chính quyền điện tử.

Quang cảnh Hội nghị

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Minh Long, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; đồng chí Trần Đình Cảnh, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội; các đồng chí Phó Giám đốc Sở Nội vụ; đại diện Lãnh đạo Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và Đoàn công tác chính quyền Thủ đô Viêng Chăn do đồng chí Khăm Ma Sẻng Mi Xay, Trưởng Ban Tổ chức Thủ đô Viêng Chăn làm Trưởng đoàn.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Liễu – Phó Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo kết quả nổi bật của ngành Nội vụ Thành phố trong thời gian qua, cụ thể:

Về công tác kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy: Từ năm 2015 đến nay, Sở Nội vụ tham mưu Thành phố thực hiện 03 đợt rà soát, sắp xếp TCBM, kết quả đạt được: Giảm 01 cơ quan tương đương sở; giảm 43 phòng chuyên môn thuộc Sở; giải thể 08 chi cục để thành lập các phòng chuyên môn thuộc Sở và giảm đầu mối bên trong chi cục là 62 đơn vị; giảm 284 đơn vị sự nghiệp (trong đó giảm 90 đơn vị trực thuộc các sở; 194 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện). Với kết quả trên, Hà Nội được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao.

Về Công tác quản lý biên chế: Khối Chính quyền Thành phố đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản 10% biên chế ở giai đoạn 1, cụ thể: giảm 1.473 biên chế công chức, đạt tỷ lệ 15,66%; giảm 14.893 biên chế viên chức (tỷ lệ 10%); giảm 1.360 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 68 (tỷ lệ 10,57%) so với năm 2015. Trong đó, nghỉ tinh giản biên chế diện dôi dư do sắp xếp, không đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm qua rà soát, đánh giá là: 1.116 người. Giai đoạn 2 (từ 2022-2026): Thành phố đang tiếp tục triển khai theo nguyên tắc trên để phấn đấu đến 2026 hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu của Trung ương giao.

Về Xây dựng Đề án vị trí việc làm: Xác định việc xây dựng Đề án vị trí việc làm là cơ sở quan trọng để bố trí, tuyển dụng, sử dụng cán bộ đúng, hiệu quả, tiết kiệm biên chế và cũng là căn cứ quan trọng để tiến tới trả lương theo vị trí việc làm, Sở Nội vụ đã chủ động nghiên cứu triển khai các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các Bộ chuyên ngành để cụ thể hóa đến từng cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố. Đến nay, Sở Nội vụ đã hoàn thành xongthẩm định, phê duyệt Đề án vị trí việc làm của 2.687 đơn vị chỉ trong thời gian 06 tháng triển khai, được Bộ Nội vụ đánh giá ghi nhận.

Về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng:

Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC, VC là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong xây dựng đội ngũ, Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu nhiều nội dung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng như phân loại đối tượng để đào tạo theo hướng chuyên sâu; tập trung đào tạo các kỹ năng, cập nhật kiến thức mới; quan tâm trao đổi kinh nghiệm với các nước bạn có tính chất tương đồng, trong đó tập trung: (1) Đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn quy hoạch; (2) Bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở; (3) Lựa chọn cán bộ để cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng tập trung các vấn đề Thành phố cần như: Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực Nội chính, Kinh tế, Văn hoá; Xây dựng và phát triển thành phố xanh, thông minh, hiện đại; Quản lý, khai thác, phát huy các giá trị văn hoá, xây dựng ngành công nghiệp văn hoá, phát triển kinh tế du lịch Thủ đô; Quản lý, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại…

Trong giai đoạn 2020 - 2024, Thành phố đã tổ chức 145 lớp với 12.682 lượt học viên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, chuyên sâu theo vị trí việc làm.

Triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Hà Nội là 01 trong 03 địa phương triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 97/2019/QH14 tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây kể từ ngày 01/01/2021. Sau hơn 02 năm thực hiện thí điểm, kết quả cho thấy: (1) Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của quận, thị xã và các phường đều đảm bảo đạt kết quả theo kế hoạch đã đặt ra, đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất; (2) Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với UBND phường được đảm bảo, tăng cường; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tại phường với UBND phường có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương. Mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng rõ hơn, tốt hơn; công tác phối hợp giữa chính quyền phường với các cơ quan, đơn vị được đảm bảo và có hiệu quả cao.

Triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, bài bản, kỹ lưỡng các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thành phố trong giai đoạn 2023- 2025. Phương án sắp xếp đơn vị hành chính được sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cử tri trên địa bàn. Sau sắp xếp toàn Thành phố còn 518 đơn vị, gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn; số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm do sắp xếp là 61 đơn vị, gồm 46 xã, 15 phường tại 20 quận, huyện, thị xã.

Đổi mới công tác thi đua - khen thưởng: Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu đổi mới về nội dung và hình thức để các phong trào thi đua ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn, cụ thể như:  (1) Tham mưu phát động thi đua theo các nội dung chủ đề, các khâu đột phá cho từng năm công tác của Thành phố. Việc lựa chọn khâu đột phá trong năm để phát động thi đua đã làm cho phong trào thi đua đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn. Kết quả cho thấy, những lĩnh vực công tác trọng tâm được Thành phố lựa chọn làm chủ đề công tác của năm đều có bước chuyển biến rõ nét; (2) Nghiên cứu tham mưu Thành phố ban hành Nghị quyết riêng về nội dung, hình thức và mức chi khen thưởng cho từng đối tượng nhằm khích lệ động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có đóng góp cho Thủ đô; (3) Xây dựng và ban hành Quy chế thi đua khen thưởng, trong đó xác định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể định lượng, quy trình xét duyệt công khai, dân chủ, khách quan để lựa chọn tập thể, cá nhân xứng đáng được tôn vinh, khen thưởng; (4) Tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng những tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10-10 (Những bông hoa đẹp, Công dân Thủ đô ưu tú, Người tốt việc tốt...) góp phần lan tỏa tích cực trong phong trào thi đua.

Đổi mới và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ

Để thắt chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU ngày 07/8/2023 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị của Thành phố. Thực hiện Chỉ thị trên, Sở Nội vụ đã chủ động xây dựng Kế hoạch, lựa chọn cơ quan, đơn vị có những vấn đề người dân, doanh nghiệp phản ánh để tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ theo hướng cụ thể, chi tiết đến từng nội dung công việc, hồ sơ TTHC để phát hiện vấn đề, xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, tham mưu UBND Thành phố hướng giải quyết khắc phục. Qua thanh tra, kiểm tra, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của Sở Nội vụ, Thành ủy đã quyết định điều chuyển vị trí một số cán bộ lãnh đạo diện Thành ủy quản lý từ Sở về địa phương và ngược lại; điều chuyển vị trí một số trưởng, phòng, công chức chuyên môn có liên quan ở một số sở, ngành;. Đồng thời xử lý đưa ra khỏi hệ thống những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm quy định trong thực thi nhiệm vụ. Đây là công việc khó khăn, áp lực rất lớn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán từ Lãnh đạo Thành phố đến các cơ quan, đơn vị nên qua thanh tra, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ngày được nâng cao.

Đồng chí Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo tại Hội nghị

Một số kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính:

(1) Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, đã tham mưu UBND Thành phố đơn giản hóa, rút gọn sau rà soát 243 TTHC/1000TTHC được rà soát.

(2)  Năm 2023, các cơ quan, đơn vị thuộc UBND Thành phố đã rà soát, ban hành 5.859 quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài TTHC), trong đó: Sở, Ban, Ngành có 305 quy trình; cấp huyện có 1.688 quy trình và 111 quy trình liên thông; cấp xã có 3.755 quy trình. Năm 2024, Thành phố tiếp tục tập trung rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, ủy quyền giải quyết 125 TTHC nội bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước thành phố Hà Nội.

(3) 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin theo quy định.

(4) Công tác chuyển đổi số của Thành phố được triển khai trong mọi mặt đời sống xã hội, và đạt được những kết quả tích cực trên cả 03 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đã đáp ứng cơ bản yêu cầu công tác CCHC. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố trên VneID, Cấp lý lịch tư pháp trên VneID; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội”; trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhằm tạo sự minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện và giảm ùn tắc ở trung tâm thành phố. Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 của, Hà Nội đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử.

(5) Chỉ số cải cách hành chính của Thành phố luôn nhiều năm qua luôn đứng trong top 10 cả nước, đặc biệt năm 2022 và năm 2023 xếp thứ 3/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2021.

(6) Chỉ số Mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính đối với cơ quan nhà nước của Thành phố tiếp tục duy trì năm thứ 5 liên tiếp đạt trên 80% xếp vào nhóm các thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ số Hài lòng cao.

(7) Chỉ số PAPI năm 2021, 2022, 2023 liên tục xếp nhóm 1 (nhóm cao nhất), hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra.

Kết quả CCHC của Thành phố nêu trên đã tạo sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân vào bộ máy hành chính nhà nước, được Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Về phân cấp, ủy quyền lĩnh vực nội vụ

Ủy quyền TTHC: Số TTHC thực hiện ủy quyền: 42 (chiếm 27.81%), trong đó: Ủy quyền từ Chủ tịch UBND Thành phố về Chủ tịch UBND cấp huyện: 14; Ủy quyền từ Chủ tịch UBND Thành phố về Giám đốc Sở Nội vụ: 07; Ủy quyền từ UBND cấp huyện về phòng Nội vụ thuộc UBND cấp huyện: 08; Ủy quyền từ Sở Nội vụ về Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ: 13

Về nhiệm vụ QLNN

Nhiều nội dung lĩnh vực Nội vụ đã được UBND Thành phố phân cấp cho các Sở, ngành, UBND quận huyện thực hiện, như quản lý tuyển dụng, quản lý ngạch, chức danh nghề nghiệp và chế độ tiền lương; quản lý quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức.

Chủ tịch UBND Thành phố ủy quyền cho Giám đốc các Sở: 03 nhiệm vụ, gồm: Ủy quyền cho Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện 02 nhiệm vụ:(1) Quyết định phê duyệt đề án vị trí việc làm đối với cơ quan, tổ chức hành chính; (2) Quyết định phê duyệt điều chỉnh vị trí việc làm đối với cơ quan, tổ chức hành chính; (3) Ủy quyền cho Giám đốc các Sở bổ nhiệm các chức danh là Trưởng, phó các đơn vị trực thuộc Sở theo pháp luật chuyên ngành thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố…

Đồng chí Khăm Ma Sẻng Mi Xay, Trưởng Ban Tổ chức Thủ đô Viêng Chăn phát biểu tại Hội nghị

Các đại biểu Đoàn công tác Thủ đô Viêng Chăn mong muốn Sở Nội vụ thành phố Hà Nội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực cải cách hành chính, việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; việc thu hút người tài làm việc tại các cơ quan hành chính của Thành phố; công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; việc chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử; cách thức số hóa TTHC, việc liên thông giải quyết công việc giữa các cơ quan, thực hiện các dịch vụ công. Bên cạnh đó, đại diện Đoàn công tác Thủ đô Viêng Chăn cũng chia sẻ những kinh nghiệm công tác, những kết quả quan trọng của Thủ đô Viêng Chăn đã đạt được trong thời gian qua.

Đại biểu Đoàn công tác Thủ đô Viêng Chăn phát biểu tại Hội nghị

Đáp lại tình cảm của Đoàn công tác nước bạn, đồng chí Trần Đình Cảnh, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ và các đồng chí Phó Giám đốc Sở đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực Nội vụ; công tác cải cách hành chính, thực hiện phân cấp, ủy quyền của ngành Nội vụ nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tham mưu UBND Thành phố; góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của ngành Nội vụ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Qua chia sẻ của Đoàn, trong thời gian qua Thủ đô Viêng Chăn đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Sở Nội vụ Hà Nội tin tưởng với tinh thần quyết tâm, Thủ đô Viêng Chăn chắc chắn sẽ vượt qua những khó khăn và ngày càng phát triển hơn nữa. Đồng chí Trần Đình Cảnh,Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ mong muốn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào mãi mãi gắn bó, thân thiết, đoàn kết, hữu nghị…

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Đồng chí Đinh Mạnh Hùng chia sẻ với Đoàn về công tác tuyển dụng, sử dụng và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Đồng chí Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý biên chế

Đồng chí Mai Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số

Đại biểu Đoàn công tác Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào phát biểu tại Hội nghị