Kinh nghiệm cải cách hành chinh

Báo cáo nghiên cứu khảo sát về cải cách hành chính tại Maylaysia và Singapore của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Publish date 25/08/2009 | 12:00 AM  | View count: 4022

Đoàn cán bộ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tham quan khảo sát về tiếp cận thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn về CCHC trong khu vực. Một số điển hình xuất sắc về CCHC trong khu vực đang được thực hiện tại Sinhgapore và Malaysia (từ ngày 10/4 – 19/4/2006)


1 - Chủ đề đoàn tham quan khảo sát:

Tăng cường năng lực thể chế tổ thư ký/ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo CCHC Bộ để vận dụng trong việc lập kế hoạch CCHC của Bộ Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2006 – 2010.

2. Thành phần tham gia đoàn khảo sát:

Một số đồng chí trong Tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Bộ, một số đồng chí thuộc các Vụ, Văn phòng giúp các đơn vị thực hiện việc tổng hợp báo cáo công tác cải cách hành chính của đơn vị mình.

3 - Nhận xét đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội CCHC của hai nước:

Hai nước Singapore và Malyasia đều giành được độc lập muộn, thời gian xây dựng đất nước chưa dài, nhưng hai nước đã có nhiều tiến bộ trong cải phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mỗi nước đã tìm và phát huy thế mạnh của mình để phát triển đất nước, vì vậy hai nước đã đạt tiêu chuẩn là nước phát triển trong khu vực Asean, thu nhập bình quân đầu người cao, xã hội ổn định…. cải cách hành chính công được quan tâm thực hiện trên mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước, với mục tiêu đáp ứng yêu cầu của khách hàng, giảm thiểu tối đa phiền hà cho nhân dân trong thực hiện giao dịch với cơ quan công quyền của nhà nước, tạo mọi điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển cạnh tranh lành mạnh, tạo ra nhiều của cải cho đất nước, công việc cho người lao động.
Kết quả phát triển kinh tế của hai nước đạt được cho thấy nếu chọn đúng thế mạnh phát triển, cộng với cơ chế chính sách phù hợp và có một lực lượng lao động phù hợp với quan hệ sản xuất sẽ phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

4 - Mục tiêu theo kế hoạch:

Tiếp cận thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn về cải cách hành chính trong khu vực. Một số điển hình xuất sắc về CCHC trong khu vực đang được thực hiện tại Sinhgapore và Malaysia.

5 - Kết quả và kiến thức thu hoạch được trong quá trình học tập và liên hệ với công việc được giao:
Trong khoảng thời gian không nhiều được nghe các giáo viên của hai nước truyền đạt, bản thân đã tiếp thu được một số kinh nghiệm và phương pháp của bạn trong việc lập kế hoạch; giám sát và đánh giá; đo lường thực hiện và các chỉ số kiến thức và thực tiễn…

a - Về lập kế hoạch:
Tại Singapore việc xây dựng kế hoạh được thực hiện theo các bước sau:
Một là: Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, mục tiêu phát triển của ngành, của đơn vị và quá trình triển khai thực hiện phải đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Hai là: Dù là kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn phải rõ ràng về thời gian thực hiện, đơn vị thực hiện, hiệu quả phải cụ thể (lượng hoá được) và lấy hiệu quả làm thước đo của mục tiêu kế hoạch.
Ba là: Trong quá trình thực hiện kế hoạch từng đơn vị phải tiến hành tự đánh giá kết quả thực hiện qua từng thời gian (giữa kỳ và cuối kỳ kế hoạch) để biết được hiện lộ trình kế hoạch đang ở đâu để tìm ra những thiếu sót và giải pháp khắc phục (nếu kết quả thực hiện đạt thấp); hoặc nảy sinh khó khăn trong quá trình thực hiện.
Bốn là: Khi xây dựng kế hoạch không chỉ đơn thuần là các chỉ tiêu kinh tế phải đạt tới mà đi theo các chỉ tiêu đó bao gồm cả kế hoạch về nguồn nhân lực, vật lực (vốn) để thực hiện.
Năm là: Khi kế hoạch đã được phê duyệt phải công bố công khai cho mọi cán bộ biết và thực hiện.
Sáu Là: Có chế độ thưởng, phạt rõ ràng đối với những đơn vị và cá nhân thực hiện hoàn thành hoặc không hoàn thành kế hoạch, tạo sự công bằng và khuyến khích mọi người làm việc chăm chỉ hơn.
Ở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn 5 năm 2001 – 2005):
- Kế hoạch cũng được xây dựng từ yêu cầu của thực tiễn (cơ sở đề nghị lên), nhưng thường đặt ra mục tiêu lớn hơn so với nguồn vật lực được đáp ứng để thực hiện.
- Kế hoạch chưa chỉ ra đơn vị thực hiện cụ thể, mới dừng ở chỉ tiêu kinh tế phải đạt tới và các giải pháp để thực hiện kế hoạch.
- Việc tự đánh giá ở từng đơn vị còn thiếu và yếu, chủ yếu tập trung ở Bộ, vì vậy tiến độ một số công trình còn chậm.
- Chưa có chế độ thưởng, phạt rõ ràng đối với những đơn vị và cá nhân thực hiện hoàn thành hoặc không hoàn thành mục tiêu kế hoạch.

b - Về đánh giá:
Ở Malaysia việc đánh giá thực hiện một chương trình được hiện như sau:
- Nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện chương trình của đơn vị được giao nhiệm vụ, đoàn đánh giá căn cứ vào mục tiêu của chương trình, lộ trình thực hiện, nguồn lực để thực hiện; tiến hành đánh giá theo từng công đoạn, đối tượng thực hiện để đánh giá, vì mục tiêu của mỗi công đoạn khác nhau. Kết quả của chương trình là tổng kết quả của các công đoạn và kết quả của công đoạn này lại là khởi đầu của công đoạn tiếp theo.
Ví dụ: Đánh giá hiệu quả chương trình khuyến nông: "khuyên nông dân nuôi trâu ở một vùng khắc nghiệt của Malaysia", với mục tiêu của chương trình là giúp nông dân xoá đói giảm nghèo.
Khi đánh giá, đoàn đánh giá đã căn cứ vào báo cáo của đơn vị thực hiện chương trình là chương trình đã thành công, trâu đã nuôi được và thịt trâu bán được tại vùng đó.
Trên cơ sở kết quả tổng thể, đoàn đánh giá tiến hành đánh giá từng công đoạn tham gia thực hiện chương trình như:
-Với thú y cung cấp thông tin cho nông dân để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, nông dân tin tưởng vào bác sĩ thú y;
- Với Cục nông nghiệp chương trình đã tiêu tốn bao nhiêu tiền để dẫn đến thành công là chương tình đã hoàn thành kết quả tốt.
Từ thành công của chương trình Chính phủ đã giảm được bao nhiêu ngoại tệ để nhập khẩu thịt trâu hàng năm;
- Với Trung tâm khuyến nông suy nghĩ sao để chương trình này sang năm đạt hiệu quả tốt hơn.
Như vậy kết quả của người nông dân nuôi được trâu lại là nghiên cứu của khuyến nông và của Chính phủ, nhưng kết quả đạt được phải trong một thời gian nhất định. Chương trình đã tạo ra kết quả và kết quả của chương trình là kết quả của từng gia đoạn thực hiện chương trình.
Với ví dụ trên đã chứng minh kết quả của người này là đầu vào của người kia và cứ thế liên tục.
Ở Việt Nam việc đánh giá thực hiện chương trình khác với Malaysia: khi đánh giá kết quả một chương trình thường chỉ dựa vào kết quả hoàn thành cuối cùng khi chương trình kết thúc, không có đánh giá từng giai đoạn của chương trình, không có kết quả của người này lại là đầu vào của người kia.
Vì vậy đánh giá 1 chương trình là một vấn đề phức tạp cần phải có tiền, thời gian và kiến thức.

6 - Những kiến nghị với Bộ về chương trình cải cách hành chính 5 năm 2006 – 2010:

- Xây dựng một kế hoạch với mục tiêu: chuyển từ một nền nông nghiệp sản xuất đáp ứng về số lượng sang một nền nông nghiệp đáp ứng cả về số lương và chất lượng. Đổi mới phương pháp lập kế hoạch hơn nữa, gắn kế hoạch với thực tiễn hơn nữa, và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn: không dàn trải; cụ thể đơn vị và thời gian thực hiện kế hoạch; có đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ đối với từng mục tiêu kế hoạch; kế hoạch xây dựng phải gắn với nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện (không nêu chỉ tiêu chung chung) như vẫn làm.
- Xây dựng, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện một hệ thống cơ chế chính sách về nông nghiệp và PTNT đáp ứng yêu cầu thực hiện kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2006 - 2010.
- Xây dựng 1 chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của ngành 5 năm 2006 – 2010 (cụ thể cho từng lĩnh vực, từng đơn vị đào tạo và sử dụng), trong đó chú ý đào tạo chuyên gia đầu ngành.
- Xây dựng và triển khai thực hiện việc luân chuyển cán bộ, sắp xếp sử dụng phát huy đúng tài năng của từng cán bộ công chức.
- Đẩy mạnh thực hiện cơ chế 1 cửa, qui trình ISO trong các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, tạo một bước chuyển mạnh trong CCHC, giảm thiểu tối đa phiền hà cho công dân, lấy khách hàng (nông dân) làm mục tiêu phục vụ của ngành.
- Sắp xếp, cải tiến bộ máy quản lý hành chính gọn, nhẹ, hiệu quả
- Mạnh dạn giải thể những đơn vị thuộc Bộ làm ăn thua lỗ.
- Thực hiện cơ chế khoán chi hành chính ở các đơn vị để kích thích tiết kiệm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo động lực chăm chỉ làm việc của cán bộ công chức.