nâng ngạch

Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viên chức lưu trữ
Publish date 10/07/2024 | 5:10 PM  | View count: 1680

Ngày 27/6/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BNV quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II và lên hạng I đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viên chức lưu trữ; xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hành chính lên chuyên viên cao cấp năm 2023

Đối tượng áp dụng

Về xét thăng hạng: a) Viên chức tại các vị trí việc làm ở bộ phận hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch, tài chính và các vị trí việc làm khác không giữ chức danh nghề nghiệp và không hoạt động nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là viên chức hành chính) dự xét thăng hạng lên hạng II (từ chuyên viên lên chuyên viên chính) và lên hạng I (từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp); b) Viên chức văn thư tại các vị trí việc làm ở bộ phận văn thư, hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là viên chức văn thư) dự xét thăng hạng lên hạng II (từ văn thư viên lên văn thư viên chính); c) Viên chức chuyên ngành lưu trữ trong các đơn vị sự nghiệp công lập dự xét thăng hạng lên hạng II (từ lưu trữ viên lên lưu trữ viên chính).

Về xếp lương: Người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập kể từ ngày 07/12/2023.

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II và lên hạng I đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viền chức lưu trữ

1. Viên chức hành chính xét thăng hạng lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau: 

a) Các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ (sửa đối tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ); 

b) Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập được xây dựng, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật có vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng; c) Được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng; 

d) Có thời gian giữ chức danh chuyên viên và tưong đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường họp có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên thì thời gian giữ chức danh chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu có thời gian giữ chức danh chuyên viên không liên tục thì được cộng dồn); 

đ) Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các nhiệm vụ khoa học sau: (i) Tham gia xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận; (ii) Tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu; (iii) Tham gia xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận;

e) Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương có một trong các thành tích công tác sau: (1) Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên; (2) Có ít nhất 02 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

2. Viên chức hành chính xét thăng hạng lên hạng I khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Có đủ các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b và điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư này;

b) Có thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương từ đủ 06 năm trở lên. Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên chính thì thời gian giữ chức danh chuyên viên chính tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh chuyên viên chính không liên tục thì được cộng dồn);

c) Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các nhiệm vụ khoa học sau: (i) Chủ trì xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận; (ii) Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu; (iii) Tham gia xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận.

d) Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương có một trong các thành tích sau: (1) Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên; (2) Có ít nhất 03 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

3. Viên chức văn thư xét thăng hạng lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Có đủ các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b và điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư này;

b) Có thời gian giữ chức danh văn thư viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh văn thư viên thì thời gian giữ chức danh văn thư viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh văn thư viên không liên tục thì được cộng dồn);

c) Trong thời gian giữ chức danh văn thư viên và tương đương có một trong các thành tích công tác sau: (1) Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên; (2) Có ít nhất 02 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

4. Viên chức lưu trữ xét thăng hạng lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuấn, điều kiện sau:

a) Có đủ các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b và điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư này;

b) Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp lưu trữ viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh nghề nghiệp lưu trữ viên thì thời gian giữ chức danh nghề nghiệp lưu trữ viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh nghề nghiệp lưu trữ viên không liên tục thì được cộng dồn);

c) Trong thời gian giữ chức danh lưu trữ viên và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các thành tích công tác sau: (1) Có ít nhất 01 công trình nghiên cứu về lĩnh vực lưu trữ hoặc các lĩnh vực có liên quan: Chủ trì xây dựng đề án chuyên môn, đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên được cấp có thẩm quyền nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu; tác giả của bài báo khoa học về lưu trữ đã công bố trên tạp chí khoa học được tính điểm; tác giả của sáng kiến về lĩnh vực lưu trữ áp dụng có hiệu quả vào hoạt động của cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận; biên soạn sách về lĩnh vực lưu trữ và các lĩnh vực có liên quan đã được xuất bản; (2) Có thành tích trong hoạt động nghề nghiệp lưu trữ được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên.

5. Trường họp viên chức được cấp có thẩm quyền quyết định cử dự xét thăng hạng theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 Thông tư này thì được xác định là đáp ứng yêu cầu về năng lực của hạng chức danh nghề nghiệp dự xét (bao gồm cả kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số).

Xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức kể từ ngày 07/12/2023

1. Trường hợp đang xếp lương theo các bảng lương quy định của nhà nước thì việc xếp lương tương ứng với từng trường họp được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức thực hiện như sau:

a) Trường hợp đang xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ của công chức hoặc viên chức quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009, Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07/3/2012, Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/02/2013 và Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21/7/2016) thì thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội;

b) Trường hợp đang xếp lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân và cơ yếu hoặc đang xếp lương theo bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân hoặc theo các bảng lương đối với người làm công tác cơ yếu thì thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 6, Khoản 7 Mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

c) Trường hợp là người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp nhà nước được xếp lương theo hệ số mức lương của người quản lý công ty chuyên trách quy định tại Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 13/2018/TT-BNV ngày 19/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi Khoản 8 Mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV.

2. Trường hợp đã xếp lương theo các bảng lương quy định của nhà nước, sau đó chuyến công tác ra khu vực tư (chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần) và có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì việc xếp lương tương ứng với từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức thực hiện như sau:

Căn cứ vào hệ số lương tại thời điểm chuyển công tác ra khu vực tư thực hiện việc chuyển xếp theo quy định tại khoản 1 Điều này và thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi chuyển ra công tác ở khu vực tư được tính sau mỗi khoảng thời gian 03 năm (đủ 36 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương từ loại AO trở lên hoặc sau mỗi khoảng thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương loại B được xếp lên 01 bậc lương hoặc hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); số tháng chưa đủ 36 tháng (đối với viên chức xếp lương từ loại AO trở lên) hoặc chưa đủ 24 tháng (đối với viên chức xếp lương loại B) còn lại được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

3. Trường hợp có thời gian công tác thuộc đối tượng hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Thông tư này thì thực hiện xếp lương và xác định thời gian tương đương giữ hạng viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận như sau:

a) Về xếp lương:

Căn cứ vào tổng thời gian hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu có thời gian không liên tục mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) trừ đi thời gian tập sự tính theo quy định của chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận, thời gian còn lại làm căn cứ để xếp lương ở chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng, tiếp nhận như sau: Tính từ bậc 1 của chức danh nghề nghiệp viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận, sau mỗi khoảng thời gian 03 năm (đủ 36 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương loại AO, loại AI hoặc sau mỗi khoảng thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) đối với trường họp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương loại B được xếp lên 1 bậc lương.

Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương trong chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận nêu trên, nếu có số tháng chưa đủ 36 tháng (đối với viên chức xếp lương loại A0, loại Al) hoặc chưa đủ 24 tháng (đối với viên chức xếp lương loại B) thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) trong chức danh được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận.

b) Về xác định thời gian tương đương giữ hạng viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận:

Trường hợp có thời gian công tác thuộc đối tượng hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật được tính để xếp lương vào hạng viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận quy định tại khoản này thì thời gian tương đương giữ hạng viên chức được bổ nhiệm được tính kể từ ngày có cùng trình độ đào tạo hoặc có trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.

4. Các trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức và được xếp lương theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này nếu trong thời gian công tác trước đó có năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật mà chưa bị kéo dài thời gian nâng bậc lương theo quy định thì thời gian không được tính để xếp lương thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (sửa đổi tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 03/2021/TT-BNV ngày 29/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2024.

Theo https://moha.gov.vn/