TIN TỨC MỚI

Phát huy năng lực, vị trí, vai trò của cán bộ nữ trong mọi lĩnh vực
Publish date 29/07/2009 | 12:00 AM  | View count: 3950

Sáng 24-3, Ban Tổ chức Trung ương và Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo Công tác cán bộ nữ. Dự Hội thảo gồm đại diện Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn của 44 bộ, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể TW.

Các đồng chí Nguyễn Thị Doan, Uỷ viên TW Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Đức Hạt, Uỷ viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức TW; Nguyễn Thị Thanh Hoà, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nêu rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ trong sự phát triển của đất nước. Đảng ta luôn quan tâm đến công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Điều đó được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và đã được thể chế hoá thành luật pháp. Nhờ đó, trong những năm qua, cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở một số ngành, cấp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, năm 2008, Việt Nam xếp thứ 68/130 quốc gia được khảo sát chỉ số về khoảng cách giới trong Báo cáo toàn cầu về Giới; Việt Nam cũng đứng đầu trong ASEAN về tỷ lệ nữ giới trong Quốc Hội... Tuy nhiên, theo đánh giá của Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, nhìn chung, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ, nguồn cán bộ nữ hẫng hụt, ở một số lĩnh vực, tỷ lệ nữ sụt giảm. Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ, có nhiều chỉ tiêu đặt ra về tỷ lệ nữ tham gia các cấp chưa đạt so với yêu cầu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích rõ những nguyên nhân dẫn đến try lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo còn thấp và đưa ra những biện pháp trong tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước để có chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong quản lý, lãnh đạo. Đồng chí Nguyễn Hải Đường, Phó Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan TW; Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của QH Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ Phạm Thị Hải Chuyền cùng nhiều đại biểu khác cùng có chung quan điểm nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng chương trình hành động, tổ chức, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hiệu quả công tác cán bộ nữ.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hoà cho rằng việc nhìn nhận cán bộ nữ tham gia lãnh đạo thấp do nguyên nhân chưa có đủ trình độ năng lực hoặc thiếu nguồn cán bộ nữ là thiếu cơ sở. Hiện nay, định kiến giới vẫn còn tồn tại dai dẳng ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong gia đình và xã hội; vẫn còn biểu hiện hẹp hòi, thiếu tin tưởng vào khả năng của phụ nữ…Để làm tốt công tác cán bộ nữ, cần tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về bình đẳng giới; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn với làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển; xây dựng quy hoạch về cán bộ nữ nằm trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Đảng; thực hiện lồng ghép giới trong cơ chế, chính sách.

Theo một số đại biểu khác, mặc dù Đảng ta đã có đủ chủ trương, chỉ thị, nghị quyết về công tác cán bộ nữ, nhưng tại một số cấp uỷ còn thiếu phương pháp tiến hành dẫn đến tình trạng "quy hoạch treo" trong công tác cán bộ nữ.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng khẳng định, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vai trò rất quan trọng trong công tác cán bộ nữ. Phó Chủ tịch nước cho rằng không thực hiện tốt công tác cán bộ nữ sẽ làm lãng phí một nguồn chất xám to lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn xã hội. Hiện nay, chúng ta đã có đầy đủ các cơ sở về công tác cán bộ nữ: cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị nền tảng cho công tác cán bộ nữ đã đầy đủ với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Tuy vậy, trên thực tế, chúng ta chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân có nhiều, song xác định chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan như: nhận thức của các cấp, của người đứng đầu về cán bộ nữ chưa có sự chuyển biến rõ nét, do đó chưa có những hành động cụ thể để thực hiện tại đơn vị, cơ sở mình. Cũng có những nơi có quy hoạch, có chỉ tiêu, nhưng phương pháp triển khai như thế nào vẫn còn lúng túng. Việc tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong những năm qua còn thấp một phần là do còn thiếu sự phối hợp giữa các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể, trong đó có vai trò của Hội phụ nữ các cấp.

Ngược lại, bản thân cán bộ nữ cũng phải tự kiểm điểm lại việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Bản thân họ phải chứng minh được phẩm chất, khẳng định năng lực, vị trí, vai trò của mình trong mọi lĩnh vực; tránh tự ti, an phận đồng thời tránh thói đố kỵ - một trong những nhược điểm làm mất đi nhiều cơ hội của họ.

Về giải pháp để phát huy năng lực, vị trí, vai trò của cán bộ nữ trong mọi lĩnh vực, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan việc đề nghị cần tăng cường hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 11 tại tất cả các cấp, các ngành; tăng cường công tác đào tạo, quy hoạch; cán bộ nữ cần được tạo điều kiện, cơ hội để nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ; được tin tưởng giao trách nhiệm; được san sẻ gánh nặng gia đình. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để thay đổi nhận thức của xã hội về bình đẳng giới; đưa việc thực hiện công tác cán bộ nữ vào chương trình kiểm tra, giám sát, chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm.

Theo caicachhanhchinh.gov.vn