TIN VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính
Publish date 09/07/2024 | 5:28 PM

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về dân chủ theo cách rất dễ hiểu: Dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Người còn nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.

Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, Điều 3, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực hiện QCDC ở cơ sở, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật gồm 6 chương, 91 điều; trong đó quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức sử dụng lao động. Luật nêu rõ quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:

- Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật.

- Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

- Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Với vai trò là cơ quan thường trực về công tác cải cách hành chính của Thành phố, Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu Thành phố triển khai thực hiện tốt, đồng bộ các nhiệm vụ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính. Bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về CCHC với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của các cấp chính quyền”, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố tiếp tục xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, triển khai nhiều giải pháp quan trọng với nhiều cách làm mới nổi bật trên các lĩnh vực: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về CCHC; Cải cách thể chế; Cải cách TTHC và Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Với một số kết quả nổi bật như sau:

Ngày 20/02/2024, UBND Thành phố đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả chỉ số CCHC năm 2023 đối với các Sở, cơ quan tương đương Sở và UBND các quận, huyện, thị xã. Kết quả: Chỉ số Cải cách hành chính trung bình cả hai khối Sở, cơ quan tương đương Sở và khối UBND các quận, huyện, thị xã đều tăng so với năm 2022 (lần lượt 2.73% và 1.26% so với năm 2022). Nhiều đơn vị có sự cải thiện về kết quả chỉ số CCHC so với năm 2022. Khối Sở và cơ quan tương đương Sở: có 18/22 đơn vị khối Sở có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2022. Khối Quận, huyện, thị xã: có 24/30 đơn vị khối Huyện có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2022. Trong đó, Ứng Hòa là đơn vị có giá trị điểm số tăng cao nhất với 5.03%.

Ngày 02/4/2024, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023. Kết quả: Thành phố Hà Nội đạt 43,9603 điểm (tăng 0,0603 điểm so với năm 2022); xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tiếp tục giữ vị trí nhóm 1 (nhóm Cao - nhóm 16 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất).

Ngày 17/4/2024, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2023 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả: Chỉ số Hài lòng - SIPAS năm 2023 của thành phố Hà Nội đạt 83,57% (tăng 3,41%); xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2022 (năm 2022 xếp thứ 30/63); đứng thứ 02 trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương (sau Hải Phòng). Chỉ số CCHC - PAR INDEX năm 2023 của thành phố Hà Nội đạt 91.43 điểm (tăng 1.85 điểm so với năm 2022); giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 02 trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương.

Có thể nói, quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc Thành phố trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao đạo đức công vụ, cải tiến lề lối, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Do vậy trong thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền việc đẩy mạnh thực hiện QCDC gắn với công tác cải cách hành chính trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phải cụ thể: Xây dựng cơ chế thông tin đa chiều, thực hiện minh bạch, công khai thông tin, đáp ứng quyền được thông tin của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Đa dạng hóa phương pháp, hình thức tuyên truyền theo hướng tăng cường đối thoại, trao đổi, tương tác phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng. Hiện đại hóa và sử dụng các phương tiện tuyên truyền hiện đại, nhiều chức năng, dịch vụ, tiện ích nhằm góp phần hữu ích, thiết thực trong việc tương tác, chia sẻ.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hành dân chủ; phát huy hiệu lực, hiệu quả vai trò các cơ quan, tổ chức trong thực hành dân chủ; tổ chức bộ máy gọn nhẹ, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy nhà nước phải được lựa chọn theo những tiêu chí cụ thể và công khai, có uy tín trong nhân dân, có năng lực, bảo đảm liêm, chính.

Ba làphát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện QCDC ở cơ sở.

Thường xuyên kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, phù hợp với các chức năng, vai trò và nhiệm vụ; nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực, khắc phục triệt để tình trạng phô trương, hình thức; đổi mới phương thức hoạt động, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở; bảo đảm lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.

Bốn là , thực hiện tốt công tác cải cách hành chính

- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, các quy định hành chính, TTHC nội bộ, trọng tâm là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tư pháp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, các quy trình thực hiện để bảo đảm hiệu quả rà soát; kiểm soát hiệu quả cơ chế phối hợp liên thông giữa các đơn vị trong thực hiện các TTHC, quy định hành chính. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chỉ số SIPAS, PAR INDEX, PAPI; tiếp tục triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố năm 2024.

- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện CCHC, kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra việc thực hiện và công khai hằng tháng kết quả nhiệm vụ của Trung ương, Thành phố giao. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

Phòng XDCQ