TỔ CHỨC BỘ MÁY

Hà Nội: chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sát sao, cụ thể
Publish date 21/12/2024 | 4:03 AM  | View count: 1275

"Trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của T.Ư và UBTV Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo sát sao, cụ thể, đúng tinh thần của T.Ư cũng như thực tiễn của TP"- Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định.

Sáng nay, 21/12, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh đã tham luận về những kết quả nổi bật của ngành Nội vụ Hà Nội trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024, trong đó có những thông tin đáng chú ý liên quan thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã.

5 kết quả nổi bật

Theo ông Trần Đình Cảnh, năm 2024, với sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung sâu sát, cụ thể của Bộ cũng như của lãnh đạo TP, ngành Nội vụ Hà Nội đã triển khai tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm lớn, đạt được những kết quả cơ bản.

Thứ nhất, trong năm ngành đã thực hiện thẩm định, phê duyệt 2.866 đề án vị trí việc làm (VTVL) cho các cơ quan, đơn vị khối chính quyền từ TP đến cấp xã; cho ý kiến về đề án VTVL của các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) tự chủ trong một thời gian rất ngắn theo chỉ đạo của Bộ và Chính phủ.

Điểm mới, nổi bật trong phê duyệt VTVL là xác định rõ khung năng lực, trình độ chuyên môn đào tạo, tỷ lệ ngạch công chức và hạng chức danh nghề nghiệp trong mỗi cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, ngành đã tham mưu tham gia đề xuất các nội dung xây dựng Luật Thủ đô; sau khi Luật được ban hành, đã tham mưu trình HĐND TP ban hành 8 nghị quyết thi hành Luật Thủ đô trong lĩnh vực Nội vụ.

Trong đó, có một số nghị quyết quan trọng về tổ chức bộ máy, biên chế, chính sách đối với cán bộ: Nghị quyết về trình tự thủ tục thành lập ĐVSN công lập, cơ quan Nhà nước thuộc UBND cấp huyện; Nghị quyết về phân cấp, ủy quyền thủ trưởng ĐVSN công lập quyết định một số nhiệm vụ đặc thù và chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền công chức giải quyết một số TTHC; Nghị quyết về chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên; Nghị quyết về thủ trưởng cấp sở và chủ tịch UBND cấp huyện được ký hợp đồng người vào làm việc chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước; Nghị quyết về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) trong hệ thống chính trị TP được Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên; Nghị quyết về lĩnh vực thi đua khen thưởng.

"Đây là những điểm nổi bật, đặc thù, vượt trội trong chế độ công vụ công chức mà TP được thực hiện theo Luật Thủ đô"- ông Trần Đình Cảnh khẳng định.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh tham luận tại ''Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ''

Thứ ba, ngành đã thực hiện rà soát, xây dựng phương án phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các cơ quan, đơn vị khối chính quyền năm 2025 bảo đảm mục tiêu khách quan, công bằng, phù hợp chức năng, nhiệm vụ, là cơ sở để triển khai thi hành Luật Thủ đô trong công tác quản lý biên chế.

Trong đó, rtheo Giám đốc Sở Nội vụ, có những tồn tại lịch sử, biên chế được giao các cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị khối chính quyền còn nhiều bất cập, chênh lệch lớn giữa các cơ quan, đơn vị.

Xác định việc khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động, Sở đã tham mưu nghiên cứu xây dựng nguyên tắc, tiêu chí cụ thể… theo khối, lĩnh vực, theo phân cấp… Đồng thời, phối hợp các sở ban ngành, UBND quận huyện thị xã xây dựng phương án; tham mưu tổ chức hội nghị cán bộ công chức lấy ý kiến; trình cấp có thẩm quyền phương án với mục tiêu cao.

Biên chế 2025 khối chính quyền TP đã được phân bổ theo đề xuất của Sở Nội vụ, bảo đảm phù hợp chức năng nhiệm vụ, khối lượng công việc, yêu cầu trước mắt và định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy sắp tới, được đồng tình ủng hộ cao.

Thứ tư, một điểm nổi bật của ngành Nội vụ năm 2024 chính là làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ.

Trong đó về tuyển dụng, ông Trần Đình Cảnh thông tin, ngành đã đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức, đó là vòng 1 tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, tỷ lệ đỗ vào vòng 2 rất thấp (chỉ đạt 27-35%); vòng 2 trực tiếp phỏng vấn (cơ quan đơn vị nào tuyển dụng thì lãnh đạo đơn vị đó phỏng vấn nên tuyển được đúng người cần tuyển).

Về đào tạo, ngành đổi mới mạnh mẽ về phân cấp tổ chức (Ban Tổ chức, Sở Nội vụ, sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã); nội dung đào tạo (TP xây dựng chương trình riêng theo ngành, lĩnh vực, đối tượng); hình thức tổ chức (trong nước, ngước ngoài, theo chương trình, dứt điểm cùng lĩnh vực và đối tượng trong năm).

Năm 2024, Sở Nội vụ đã tổ chức 4 chương trình trong nước với 16 lớp; 2 chương trình nước ngoài với 9 lớp cho lãnh đạo cấp phòng các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP.

Đồng thời, TP quan tâm giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, với việc xét thăng hạng giáo viên hạng 3 lên hạng 2 cho 22.400 giáo viên.

Thứ năm, ngành thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) TP, đó là đã tham mưu ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC khối các ĐVSN - đơn vị hiệp quản đóng trên địa bàn; hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC khối sở, ban, ngành - UBND các quận, huyện, thị xã; gắn với CCHC tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ và thực hiện tốt chuyển đổi số; đạt được nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao chất lượng giải quyết TTHC của CBCC trong hệ thống chính trị TP.

Sắp xếp ĐVHC cấp xã: đúng tinh thần của T.Ư, thực tiễn của TP

Cũng trong phần tham luận tại Hội nghị, đáng chú ý, liên quan nội dung kiện toàn tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã sau sắp xếp ĐVHC ở TP Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội thông tin, TP đã được UBTV Quốc hội phê duyệt phương án sắp xếp 109 ĐVHC cấp xã; giảm 53 đơn vị; tác động đến 2.653 CBCC và người hoạt động bán chuyên trách ở cấp xã. Sau sắp xếp, dôi dư 93 trụ sở, 831 người, cùng những vấn đề liên quan cần phải giải quyết.

Các đại biểu dự tại Hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội

Trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của T.Ư và UBTV Quốc hội, lãnh đạo TP đã chỉ đạo sát sao, cụ thể, đúng tinh thần của T.Ư cũng như thực tiễn của TP. Sau khi có Nghị quyết của UBTV Quốc hội, TP đã tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn cụ thể công tác kiện toàn tổ chức, hoạt động các ĐVHC mới.

Đến nay, 56 ĐVHC mới đã được cấp ủy, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội của 20 quận, huyện ra quyết định thành lập Đảng bộ và các tổ chức chức chính trị-xã hội cấp xã; sẽ tổ chức công bố lễ ra mắt trong tuần tới.

HĐND huyện, thị xã cũng đã chỉ đạo triệu tập kỳ họp HĐND xã mới ngay đầu năm 2025 để kiện toàn các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND cấp xã; bộ máy mới sẽ hoạt động ngay, không làm gián đoạn ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và cuộc sống sinh hoạt của Nhân dân.

Đối với việc giải quyết trụ sở, CBCC dôi dư và thay đổi giấy tờ liên quan địa giới, ông Trần Đình Cảnh cho biết, TP đã chỉ đạo các ngành liên quan có văn bản hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể. Sở Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã để sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với 831 cán bộ dôi dư.

Trong đó, lựa chọn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chí để bổ nhiệm công chức, điều động bố trí công tác ở các phòng, ban, đơn vị cấp huyện; bố trí luân chuyển sang đơn vị thiếu; giải quyết chế độ chính sách đối với người đủ điều kiện, tiêu chí và có nguyện vọng; số còn lại sắp xếp bố trí dần.

"TP sẽ cơ bản giải quyết, bố trí sắp xếp xong cán bộ dôi dư trong năm 2025; kết thúc kỳ bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031, còn 66 người phải sắp xếp"- Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội thông tin.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, mặc dù số ĐVHC chịu tác động lớn, song với công tác chỉ đạo tập trung, cách làm khoa học, dân chủ, đồng bộ, công tác sắp xếp ĐVHC của TP Hà Nội đã nhận được sự thống nhất, đồng thuận rất cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; quá trình thực hiện không để xảy ra đơn thư khiếu nại.

Những điều đó chính là kinh nghiệm, bài học quan trọng để việc sắp xếp các ĐVHC của TP trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả hơn, cũng như trong triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị của TP thời gian tới theo nội dung Nghị quyết 18 của T.Ư, đạt được mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chí trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư.

“Bám sát định hướng, gợi ý về sắp xếp tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện của Ban chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ, Sở Nội vụ Hà Nội đã và đang tập trung tham mưu với Ban Cán sự, Ban Chỉ đạo TP triển khai thực hiện có hiệu quả. Quá trình thực hiện, TP mong lãnh đạo Bộ Nội vụ quan tâm, ủng hộ các phương án đề xuất của Hà Nội để việc sắp xếp đạt hiệu quả thiết thực, sát với điều kiện thực tiễn của Thủ đô”- Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh.  

Theo https://kinhtedothi.vn/