Hoạt động chuyên đề

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội
Ngày đăng 22/04/2024 | 2:06 PM  | View count: 175

Ngày 05/4/2024, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 28/2024/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.

Sở Tư pháp thành phố Hà Nội

Theo đó, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, có chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; pháp chế; chứng thực; nuôi con nuôi; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư, tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại; quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; đăng ký biện pháp bảo đảm; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; công tác tư pháp khác và dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định pháp luật. Sở Tư pháp có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế của Ủy ban nhân dân Thành phố theo thẩm quyền và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

Cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND Thành phố gồm các phòng và tương đương thuộc Sở: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Văn bản pháp quy; Phòng Kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật; Phòng Quản lý pháp chế và chính sách; Phòng Hành chính tư pháp; Phòng Bổ trợ tư pháp; Phòng Lý lịch tư pháp.
Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở gồm: 12 phòng Công chứng; Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản.

Sở Tư pháp thành phố Hà Nội có Giám đốc và Phó Giám đốc. Số lượng Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở, cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng số biên chế công chức, biên chế sự nghiệp trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hằng năm Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày tháng năm 2024, thay thế Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.