TIN TỨC MỚI

Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí thứ hai về Chỉ số cải cách hành chính
Ngày đăng 21/05/2020 | 4:02 PM  | View count: 2503

Ngày 19/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019.

Quang cảnh Hội nghị

Tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự.

Theo báo cáo, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 các bộ tập trung vào 2 nhóm điểm. Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 90%, bao gồm 3 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải. 

Năm 2019 không có bộ nào có kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 80%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 cao nhất với kết quả là 95,4%. Bộ Giao thông Vận tải có kết quả Chỉ số cải cách hành chính thấp nhất là 80,53%.

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên có duy nhất tỉnh Quảng Ninh. Nhóm B, đạt kết quả chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 43 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả chỉ số từ 70% đến dưới 80%, gồm 19 tỉnh, thành phố. 

Theo đánh giá, Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 81,15%, cao hơn 4,23% so với giá trị trung bình năm 2018 (đạt 76,92%) và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. So sánh giữa 63 địa phương, có 30 đơn vị đạt kết quả chỉ số cao hơn giá trị trung bình của cả nước. Đáng chú ý, năm 2019 có 44 đơn vị đạt kết quả chỉ số trên 80%, năm 2018 chỉ có 9 đơn vị đạt kết quả trong nhóm này. Điểm tích cực khác đó là, trong năm 2019 không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%.

Kết quả xếp hạng, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có lần thứ ba liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính, với kết quả chỉ số năm 2019 đạt 90,09%; thành phố Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai, với kết quả đạt 84,64%. Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng, với kết quả chỉ số đạt 84,43%. Bến Tre là địa phương xếp vị trí thứ 63/63 tỉnh, thành phố, với kết quả đạt 73,87%.

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 tăng gần 1,5%

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 tiến hành điều tra xã hội học với tổng số phiếu phát ra tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước là 36.630 phiếu. Tổng số phiếu thu về hợp lệ là 35.268 phiếu, đạt 96,28%.

Kết quả cho thấy, có 84,45% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tăng gần 1,5% so với năm 2018 và gần 2,3% so với năm 2017.

Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về tiếp cận dịch vụ là 86,48%, về thủ tục hành chính là 86,54%, về công chức là 85,62%, về kết quả dịch vụ là 88,56% và về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức là 73,66%.

Trong 3 cấp hành chính, cấp huyện nhận được mức hài lòng cao nhất (85,53%), cấp tỉnh thấp nhất (83,35%). Trong số 16 lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực giao thông, vận tải nhận được mức hài lòng cao nhất (88,45%) và lĩnh vực đất đai, môi trường thấp nhất (79,06%).

Báo cáo cũng cho thấy, 10 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chưa đạt yêu cầu, 20 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính ở mức trung bình, 27 tỉnh khá và 6 tỉnh tốt trong năm 2019.

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Thành phố hoàn thành xây dựng và công bố 1.717 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các phường, xã, thị trấn (đạt 100%).

Đến nay, thành phố Hà Nội đã đơn giản hóa 481 thủ tục hành chính với số chi phí tiết giảm thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân khoảng trên 91 tỷ đồng/năm.

Năm 2019, số hồ sơ giải quyết đúng hạn trên địa bàn thành phố Hà Nội là 11,4 triệu hồ sơ/11,5 triệu hồ sơ tiếp nhận (đạt tỷ lệ 99,1%). Riêng trong quý I-2020, tổng số hồ sơ giải quyết là 1,87 triệu hồ sơ; giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ trên 99,8%.

Số lượng thủ tục hành chính được liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng mở rộng. Toàn thành phố có 1.424/1.611 thủ tục hành chính, đạt 89% (trong đó 1.044 mức độ 3 và 388 mức độ 4). Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công thành phố đạt hơn 320.000 hồ sơ. Thành phố đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống.

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, tổng số hồ sơ dịch vụ công mức độ 4 đạt 23,6%. Thành phố đã kết nối 48 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, phấn đấu hết tháng 6-2020 sẽ đưa thêm 200 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, tiến hành triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại 22/22 sở, ngành, 30/30 quận, huyện, thị xã với 16.000 phiếu; khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong cung cấp 4 lĩnh vực dân sinh cơ bản: Cung cấp nước sạch; vệ sinh môi trường; giáo dục; y tế, với 12.000 phiếu...

Phát biểu kết luận, bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương những bộ, ngành, địa phương đã đạt kết quả cao ở Chỉ số PAR INDEX và SIPAS năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Đó là, một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa coi công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; lãnh đạo một số nơi chưa thể hiện vai trò trách nhiệm người đứng đầu; còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp...

Nhấn mạnh năm 2020 là năm có nhiều nhiệm vụ quan trọng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ, để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian qua, nhằm xây dựng và kiến tạo Chính phủ cho một giai đoạn cải cách mới..., các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, căn cứ vào kết quả Chỉ số PAR INDEX năm 2019 và Chỉ số SIPAS năm 2019, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những mặt đạt được trong công tác cải cách hành chính.

Cùng với đó là đẩy mạnh rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; tiếp tục hoàn hiện hệ thống thông tin một cửa điện tử; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

“Phải tạo ra sự chuyển biến thật sự trong bộ máy công quyền nhà nước; cán bộ, công chức, viên chức là công bộc, không có sự nhũng nhiễu, không có chi phí ngoài luồng... Có như vậy, mới huy động tốt nguồn lực, tạo phong trào khởi nghiệp thật tốt”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo hanoimoi.com.vn