thông tin tuyên truyền

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số giữa Thành phố Hà Nội và Thành phố Kobe, Nhật Bản
Ngày đăng 23/09/2024 | 10:10 PM  | View count: 325

Ngày 20/9/2024, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ Việt Nam phối hợp Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Chính quyền địa phương Việt Nam - Nhật Bản”. Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Thành phố Hà Nội (Việt Nam) và Thành phố Kobe (Nhật Bản) đã chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số giữa hai địa phương.

Ông MASAKI Yusuke, Trưởng phòng kỹ thuật số thành phố Kobe chia sẻ thông tin tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông MASAKI Yusuke, Trưởng phòng kỹ thuật số thành phố Kobe chia sẻ những nỗ lực chuyển đổi số của thành phố Kobe với chủ đề “Cải cách sân trước, sân sau và cách sử dụng các dữ liệu hành chính”.

Theo ông MASAKI Yusuke, sân trước (điểm tiếp xúc với người dân) và sân sau (công việc của nhân viên). Thành phố Kobe coi việc sử dụng công nghệ số là một thể thống nhất để tối ưu hóa toàn diện các thủ tục hành chính như đăng ký hay thông báo. Mục đích nhằm để nghiên cứu cơ chế làm việc sao cho vừa nâng cao được tính thuận tiện cho người dân khi làm các thủ tục hành chính, vừa nâng cao được hiệu quả của toàn bộ quy trình làm việc của nhân viên.

Để triển khai được cơ chế này, Thành phố Kobe thành lập nhóm dự án cải cách FYBY, thống nhất nội dung của các dự án đang hoạt động riêng lẻ, tiến hành họp các thành viên cốt lõi như: Ban giám sát kỹ thuật số, Trưởng phòng Chiến lược kỹ thuật số, ba người ở cấp Trưởng Ban (hành chính trực tuyến, cải cách công việc ICT, chuyên gia chuyển đổi số cấp cao).

Trong đó, sân trước bao gồm các bộ phận: quầy tiếp nhận (tiếp nhận không cần viết, hỗ trợ thông minh, đặt hẹn quầy tiếp nhận của quận); đăng ký điện tử (thông minh hóa các thủ tục hành chính, e-KOBE, dịch vụ chuẩn xác); cấp, thông báo (ứng dụng ID của người dân). Sân sau, bao gồm các bộ phận: xét duyệt, nhập tự động và liên kết dữ liệu.

Ngoài sân trước, sân sau còn có bộ phận kiểm tra nhằm quản lý đăng ký, kiểm tra hệ thống, liên kết dữ liệu, kiểm tra dụng cụ và các vấn đề kiểm tra khác.

Trong tương lai, sân trước và sân sau sẽ thực hiện số hóa hết khả năng có thể, kể cả tại quầy tiếp nhận của quận. Sân sau tiến hành quản lý, xét duyệt toàn bộ bất kể là từ kênh đăng ký nào. Sử dụng các dữ liệu mà thành phố đang có để tự động hóa một số công tác xét duyệt, số hóa cả việc cấp giấy tờ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Về khả năng sử dụng các dữ liệu hành chính, ông MASAKI Yusuke cho biết, dịch vụ hành chính của chính quyền địa phương có liên hệ mật thiết tới đời sống và liên quan tới nhiều lĩnh vực nên chính quyền địa phương đang nắm giữ kho dữ liệu lớn về thuế, phúc lợi, giáo dục,v.v..., được tập trung tại sổ đăng ký cư trú cơ bản. Ngoài hệ thống lõi, có rất nhiều các hệ thống khác nhau khác cũng đang chứa một lượng lớn dữ liệu. Tuy nhiên, cho đến nay, các dữ liệu này vẫn chưa được sử dụng cho một mục đích nào khác ngoài công việc.

Ông MASAKI Yusuke cho biết, hiện nay có 84 bộ dữ liệu được gửi từ hệ thống lõi tới máy chủ trung gian do Chính phủ quản lý cùng với các bộ dữ liệu riêng biệt như dữ liệu riêng về cư trú cơ bản, dữ liệu thuế, v.v... được lưu trữ lại trong nền tảng liên kết dữ liệu nội bộ.

Ông MASAKI Yusuke khẳng định, có thể coi đây là một kho báu dữ liệu có thể sử dụng vào việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng (EBPM) của Bộ phận Chính sách thay vì chỉ nhìn hệ thống từ góc độ của bộ phận hệ thống thông tin…

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chia sẻ thông tin tại Hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số của Thành phố Hà Nội, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, ngày 30/12/2022, Thành ủy Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Triển khai thực hiện Nghị quyết, Thành phố Hà Nội đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy thuộc phạm vi, thẩm quyền về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng thành phố thông minh; Phát triển, tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của Thành phố trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất để chuyển đổi thành hạ tầng số; Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước tại các cấp, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong và ngoài Thành phố theo quy định; Thử nghiệm triển khai hiệu quả một số dịch vụ đô thị thông minh tại một số quận, huyện của Thành phố, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với phát triển chính quyền số…

Việc tổ chức triển khai chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và thành phố thông minh của Thành phố Hà Nội được thực hiện đồng bộ, toàn diện tới các ngành, các cấp chính quyền và bước đầu cho thấy rõ sự chuyển biến tích cực của công cuộc chuyển đổi số của Thành phố, thể hiện ở một số kết quả như: cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý cuộc họp; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc…); ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp, phát triển xã hội số (Ứng dụng công dân Thủ đô số; Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố - quản lý khám chữa bệnh; Cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội”)…

Kết quả chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tăng 19 bậc (từ năm 2020 năm 2022), trong đó riêng năm 2022 đã tăng đột phá 16 bậc so với năm 2021 (đánh giá và công bố năm 2023). Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT năm 2022 (Báo cáo Vietnam ICT Index) được công bố vào tháng 10/2023, Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp CNTT. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Hà Nội tiếp tục đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam. Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023, Hà Nội đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử…

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, mục tiêu cuối cùng của chính quyền là phục vụ tốt nhất mọi người dân, trên cơ sở kết quả đạt được, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và thành phố thông minh, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu và mục tiêu đặt ra.

Tại Hội thảo, ông MASAKI Yusuke Trưởng phòng kỹ thuật số thành phố Kobe; ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ đã cùng trao đổi, thảo luận và giải đáp thắc mắc của các đại biểu liên quan đến chuyển đổi số như cơ chế, chính sách, nhận thức của lãnh đạo và nhân viên về chuyển đổi số, kinh nghiệm triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện…

Theo https://moha.gov.vn