Tin tức sự kiện

Hội thảo “Cải cách hành chính qua các thời kỳ - những giá trị cốt lõi và vận dụng sáng tạo trong cải cách hành chính của thành phố Hà Nội”
Ngày đăng 22/10/2020 | 4:30 PM  | View count: 3918

Hội thảo “Cải cách hành chính qua các thời kỳ - những giá trị cốt lõi và vận dụng sáng tạo trong cải cách hành chính của thành phố Hà Nội” được UBND thành phố Hà Nội tổ chức vào ngày 20/20/2020. Hội thảo nhằm làm rõ những thành quả đã đạt được, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào đặc thù Thủ đô thành các chủ trương, quyết sách, các mô hình thí điểm của Thành phố; những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong giai đoạn vừa qua; định hướng công tác CCHC trong giai đoạn tới của Thành phố.

Hội thảo đã thu hút gần 200 đại biểu tham dự thuộc các cơ quan: Bộ Nội vụ, UBND Thành phố Hà Nội, các Ban thuộc Thành ủy Hà Nội, các đoàn thể chính trị - xã hội của Thành phố, các Sở, ban, ngành thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý và đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Với hơn 22 bài tham luận gửi về Ban tổ chức và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, các ý kiến xoay quanh đánh giá những thành tựu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về CCHC của thành phố Hà Nội trong giai đoạn đổi mới (từ 1986 đến nay), đồng thời thảo luận các giải pháp để tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thời gian tới cũng như đưa ra những kiến nghị, định hướng và đề xuất những giải pháp trong chỉ đạo, điều hành về CCHC của Thành ủy, HĐND Thành phố.

Đồng chí Đỗ Quý Tiến, Phó Vụ Trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ và đồng chí Nguyễn Văn Sửu, PCT UBND Thành Phố tham dự Hội thảo

Hội thảo thống nhất đánh giá: Trong thời gian qua, công tác CCHC luôn được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quán triệt sâu rộng tới các cấp, các ngành, từng cán bộ, công chức, viên chức về kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của Thủ đô, phấn đấu nhiều chỉ tiêu và nhiệm vụ hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn. Các chỉ tiêu KT-XH hàng năm của Thành phố đều hoàn thành và vượt kế hoạch. Các chỉ số đánh giá về hiệu quả hoạt động của chính quyền trong những năm gần đây được Trung ương và các tổ chức quốc tế đánh giá tốt: Chỉ số CCHC (PARINDEX) liên tiếp  xếp thứ hạng rất cao (xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong 3 năm 2017, 2018, 2019). Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về Chỉ số phát triển công nghiệp CNTT (ICTNEWS), đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 4 bậc so với năm 2017, tăng 42 bậc so với năm 2012 (thuộc top 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất), niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp với Thành phố đã được khẳng định qua sự đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong thời gian qua. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố (SIPAS) tiếp tục đạt trên 80% (đã hoàn thành sớm hơn hai năm so với chỉ tiêu tại Nghị Quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ). Đặc biệt thành phố Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong vận hành chính thức hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp; có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 đạt 100%. Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, còn thiếu những biện pháp để khắc phục hạn chế, khuyết điểm; kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc còn chưa nghiêm; tinh thần, thái độ trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân có nơi, có lúc còn chưa tốt; Chỉ số CCHC của Thành phố trong những năm gần đây luôn đứng thứ hạng cao, nhưng vẫn còn một số nội dung, nhiệm vụ chưa triển khai triệt để; Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI còn ở thứ hạng thấp;....Do đó, trong thời gian tới Thành phố cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm công tác CCHC, đảm bảo sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân vào hoạt động quản lý của các cấp chính quyền; tập trung phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng CNTT, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.