Tin tức sự kiện

Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trao đổi kinh nghiệm về công tác sắp xếp đơn vị hành chính
Ngày đăng 24/10/2024 | 8:26 AM  | View count: 949

Ngày 23/10/2024, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội tiếp Đoàn công tác Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh trao đổi kinh nghiệm về công tác sắp xếp đơn vị hành chính, thôn, tổ dân phố.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh và đại diện các phòng, ban chuyên môn của Sở Nội Nội vụ thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, tại kỳ họp thứ mười sáu, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025.

Quang cảnh buổi làm việc

Theo đó, thành phố Hà Nội sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc 20 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Qua rà soát, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp 1 đơn vị (quận Hoàn Kiếm), nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp có 518 đơn vị, gồm: 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm sau khi sắp xếp là 61 đơn vị, gồm: 46 xã, 5 phường.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là cần thiết, tạo điều kiện tập trung nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn, tránh dàn trải, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục, y tế. Đồng thời, việc sắp xếp góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế; tiết kiệm chi cho ngân sách, góp phần vào cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức và chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng rất quan tâm đến công tác sắp xếp cán bộ, công chức sau sắp xếp đơn vị hành chính. Để việc sắp xếp, sáp nhập không gây biến động lớn và bộ máy vận hành hiệu quả, Thành phố đã chỉ đạo quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động  một cách thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn; vừa đáp ứng tâm tư nguyện vọng vừa phù hợp năng lực, sở trường, vị trí công việc từng cán bộ, công chức, viên chức. Căn cứ năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp xã để xem xét tuyển dụng, điều động, luân chuyển làm việc tại các cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị cấp huyện, địa phương khác trong Thành phố theo yêu cầu nhiệm vụ. Với cán bộ, công chức đủ hoặc gần tuổi nghỉ hưu, Thành phố cho nghỉ chế độ theo quy định; cán bộ có nguyện vọng nghỉ, chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời. Thành phố sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng ĐVHC cấp huyện; đồng thời đã ban hành Nghị quyết 17/2023/HĐND quy định chế độ hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ công tác khi sắp xếp ĐVHC.

Ngay sau khi có Nghị quyết của UBTV Quốc hội về sắp xếp ĐVHC của Hà Nội, Thành phố chỉ đạo trên địa bàn tập trung rà soát quy hoạch vùng huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn phù hợp ĐVHC mới; rà soát thiết chế văn hóa cơ sở; thống nhất phương án sắp xếp, bố trí, phát huy tối đa cơ sở nhà đất, trụ sở, tài sản công, nhất là khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả trường học, trạm y tế… Thành phố cũng hướng tới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động.

Về giải pháp ổn định, xây dựng, phát triển các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp, Thành phố sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển… Thành phố cũng tranh thủ các nguồn lực để xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trạm y tế, trường học, công trình văn hóa, cơ quan và công trình công cộng trên địa bàn; tiếp tục phát huy nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cơ sở ở thôn, tổ dân phố.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ một số kinh nghiệm hay trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, thôn, tổ dân phố trên địa bàn, trong đó có các nội dung liên quan đến việc xây dựng đề án sáp nhập; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy sau sáp nhập, đặc biệt là những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; sắp xếp, tổ chức bộ máy sau sáp nhập.