Tin tức sự kiện

Bộ Nội vụ: Tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cho cán bộ 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc
Ngày đăng 24/03/2016 | 9:12 AM  | View count: 3459

Ngày 22/3, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương; nghiệp vụ công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đến đại diện lãnh đạo, công chức trực tiếp tham mưu, thực hiện nhiệm vụ công tác tổ chức bầu cử thuộc 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Bầu cử quốc gia, MTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính đã giới thiệu đến các đại biểu một số điểm mới của Luật Chính quyền địa phương, Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; công tác giới thiệu nhân sự đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp; công tác tổ chức hội nghị hiệp thương và một số điều cần lưu ý trong chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, cán bộ, công chức các tỉnh, thành phố lưu ý, theo Luật mới, thời điểm công bố ngày bầu cử chậm nhất 115 ngày (trước đây 105 ngày); số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH  bảo đảm ít nhất 35% tổng số người trong danh sách  chính chức (Luật cũ không quy định).

Về thẩm quyền lập danh sách người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.  Đối với ĐBQH, Ủy ban MTTQ  Tổ quốc Việt Nam chỉ lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, còn lập danh sách chính thức và công bố là do Hội đồng bầu cử Quốc gia. Đối với đại biểu HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chỉ lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND và Ủy ban bầu cử cấp đó quyết định lập và công bố danh sách chính thức. Về cử tri, đối với cử tri tạm trú đủ 12 tháng trở lên thì sẽ tham gia bầu 4 cấp; còn tạm trú dưới 12 tháng thì chỉ được bầu 3 cấp. Các địa phương có đông công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, nhiều sinh viên các trường đại học thì Ủy ban bầu cử cấp xã chủ động làm việc với Ban quản lý Khu công nghiệp, Ban giám hiệu các trường xem xét, lập danh sách. Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo, trước 10 ngày diễn ra bầu cử thì dừng việc giải quyết.

Theo Phó Ban Dân chủ - Pháp luật MTTQ Việt Nam Phạm Thu Hương, công  tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đang bước sang giai đoạn 4 (từ 20/3 đến 12/4) để lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của các ứng cử viên. Dù văn bản hướng dẫn đầy đủ, song một số địa phương còn lúng túng, dự kiến số dư đại biểu ứng cử để ở mức không an toàn, nên rất lo lắng nếu hiệp thương vòng 3 mà không đủ tiểu chuẩn, loại khỏi danh sách thì sẽ hụt danh sách, không theo quy định. Đáng quan tâm, kỳ này đại biểu tự ứng cử tăng nhiều hơn so với các nhiệm kỳ trước, thể hiện sự dân chủ trong nhân dân. Tới đây, MTTQ các cấp sẽ tổ chức hiệp thương lần 3, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp quyết định.

Kết luận buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: buổi tập huấn nhằm hướng dẫn giải đáp một số vấn đề căn bản liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử. Dù đã chuẩn bị  kỹ, nhưng trong thực tiễn khó tránh xảy ra các tình huống phát sinh, vì thế, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố tập hợp, gửi về Cơ quan Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia để xin ý kiến cấp trên theo từng trường hợp cụ thể. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đề nghị, sau tập huấn, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố gửi báo cáo nhanh kết quả hiệp thương lần 2 về cơ quan Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia; tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của các đại biểu ứng cử; đồng thời, tổ chức tốt hiệp thương lần 3 bảo đảm dân chủ; thực hiện tốt công tác niêm yết danh sách cử tri và thông báo rộng rãi trong nhân dân.

Theo HNP