TIẾP CẬN THÔNG TIN
Thông tư số 04/2022/TT-BNV ngày 23/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 13/2019/TTBNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày ngày 23/5/2022.
Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn (sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố) quy định “Tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh công chức cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo”. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Thông tư số 13/2019/TT-BNV đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV cũng phát sinh vướng mắc, bất cập, cụ thể như sau:
Điểm c khoản 1 Điều 1 Thông tư số 13/2019/TT-BNV quy định công chức cấp xã phải đáp ứng tiêu chuẩn “Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã”; đồng thời quy định “đối với công chức đã tuyển dụng trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều này thì trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ theo quy định”. Qua rà soát, quy định nêu trên của Thông tư số 13/2019/TT-BNV chưa phù hợp với các luật của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ, cụ thể:
- Luật Hộ tịch năm 2014 quy định “Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có trình độ từ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch” (điểm a khoản 2 Điều 72).
- Luật Kế toán năm 2015 quy định người làm kế toán phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán (Điều 51); Kế toán trưởng phải có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên và giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng phù hợp với từng loại đơn vị kế toán (Điều 54). Ngày 30/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán, trong đó quy định kế toán trưởng, phụ trách kế toán của đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên (điểm b khoản 3 Điều 21).
Thực tiễn thi hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV, nhiều cử tri và cơ quan nhà nước ở địa phương đã phản ánh những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức tuyển dụng, sử dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức cấp xã liên quan đến việc áp dụng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của công chức cấp xã, nếu không được sửa đổi, bổ sung kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và của cán bộ, công chức cấp xã. tiễn thi hành Thông tư số 13/2019/TTBNV, nhiều cử tri và cơ quan nhà nước ở địa phương đã phản ánh những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức tuyển dụng, sử dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức cấp xã liên quan đến việc áp dụng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn công chức cấp xã, nếu không được sửa đổi, bổ sung kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và của cán bộ, công chức cấp xã.
Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 13/2019/TT-BNV và Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV là cần thiết.