tin tức sự kiện

Thông qua Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP Hà Nội
Ngày đăng 19/11/2024 | 3:53 AM  | View count: 1260

Nghị quyết được thực hiện theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 4 Điều 9 Luật Thủ đô, nhằm đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền...

1b3d382041f7faa9a3e6.jpg

Đồng chí Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ trình bày Tờ trình tại Kỳ họp (Ảnh: Viết Thành)

Sáng 19-11, sau khi khai mạc kỳ họp chuyên đề, HĐND thành phố đã xem xét thông qua Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố; thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Nghị quyết có 4 chương và 24 điều với nguyên tắc chung, bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện; tính thống nhất về quản lý ngành, lĩnh vực công tác. Không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác. Bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập trong trường hợp thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn. Bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Nghị quyết này. Trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thì bảo đảm số cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định; tổng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không vượt quá 10% khung số lượng do Chính phủ quy định.

Nghị quyết được thực hiện theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 4 Điều 9 Luật Thủ đô, nhằm đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền, chủ động trong quản lý tổ chức bộ máy, mục tiêu cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhay, kịp thời. Nghị quyết cũng nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập về tổ chức, bộ máy, giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND thành phố, thuộc UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

* Tiếp đó, HĐND thành phố cũng đã thông qua Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội. Đây cũng là nghị quyết thực hiện khoản 3 Điều 10 Luật Thủ đô.

Theo UBND thành phố Hà Nội, cơ sở thực tiễn trình HĐND thành phố nội dung này, bởi hiện nay, UBND thành phố có 22 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố quản lý (đơn vị sự nghiệp công lập cấp 1); 307 đơn vị sự nghiệp thuộc các sở và các chi cục thuộc sở; 2.282 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND quận, huyện, thị xã (đơn vị sự nghiệp công lập cấp 2, cấp 3). Việc thành lập, tổ chức lại và giải thể đơn vị sự nghiệp công lập cấp 2, cấp 3 theo quy định hiện nay thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố, đã được quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7-10-2020 của Chính phủ, Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 19-11-2021 của UBND thành phố và đang được áp dụng triển khai thực hiện.

Việc thành lập, tổ chức lại và giải thể các đơn vị sự nghiệp cấp 1 hiện nay thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định (theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP). Khoản 3 Điều 10 của Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 28-6-2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố, cụ thể: “Căn cứ vào nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố theo trình tự, thủ tục do HĐND thành phố quy định”, do vậy việc thành lập đơn vị sự nghiệp cấp 1 nêu trên sẽ thuộc thẩm quyền của UBND thành phố quyết định theo trình tự, thủ tục HĐND thành phố quy định.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ, việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập là sắp xếp, kiện toàn lại đơn vị sự nghiệp công lập dưới các hình thức: Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; hoặc điều chỉnh tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ để hình thành đơn vị sự nghiệp công lập mới. Do vậy, để triển khai việc thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố theo quy định tại Luật Thủ đô, các văn bản hướng dẫn hiện hành và đảm bảo xuyên suốt, tổng thể, thống nhất theo đặc thù của Thủ đô; góp phần giảm thiểu thời gian và thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng quản lý tổ chức, bộ máy, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết ban hành quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội.

Nghị quyết gồm 3 Chương, 13 Điều. Việc xây dựng Nghị quyết đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Các quy định đảm bảo theo thẩm quyền quy định của Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn hiện hành; đảm bảo tính tổng thể, thống nhất.

Đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nội dung cơ bản của Nghị quyết là quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố, bao gồm: Trình tự, thủ tục thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố; trình tự, thủ tục tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố (Về trình tự, thủ tục cụ thể hóa bằng các Điều được sắp xếp theo thứ tự các bước thực hiện, quy định cụ thể các bước từ xây dựng dự thảo Đề án, Tờ trình thành lập, nội dung hồ sơ, nội dung thẩm định, Quyết định thành lập, thời hạn giải quyết xử lý hồ sơ).

Theo https://hanoimoi.vn