tin trong ngành

Bộ Nội vụ: 100% Bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ 2.386.486 hồ sơ Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức
Ngày đăng 26/09/2024 | 8:49 PM  | View count: 424

Đây là thông tin được Bộ Nội vụ đưa ra trong Báo cáo số 5843/BC-BNV ngày 20/9/2024 kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính Quý III năm 2024.

Theo Báo cáo, trong Quý III năm 2024, kết quả công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ được thể hiện trên các mặt công tác như:

Về chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, trong Quý III năm 2024, Bộ Nội vụ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, bám sát các nội dung trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan để tổ chức Phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị được giao phụ trách đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nội vụ tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án “Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước” năm 2024. Phối hợp với Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn cán bộ Công đoàn các tỉnh, thành phố năm 2024; tổ chức thành công Đoàn cán bộ của Bộ Nội vụ và một số Sở Nội vụ địa phương đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm về cải cách hành chính tại Vương quốc Anh và Cộng hòa Singapore; tổ chức các lớp tập huấn công tác cải cách hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức tại các địa phương; tổ chức Đoàn kiểm tra cải cách tại một số tỉnh.

Công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính với nhiều hình thức, nội dung phong phú; Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ: https://; Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước: https://tcnn.vn,... do Bộ Nội vụ quản lý thường xuyên đăng tin bài về hoạt động cải cách hành chính của các Bộ, ngành, địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức, người dân và xã hội về cải cách hành chính. Bản tin điện tử về cải cách hành chính tiếp tục được Bộ Nội vụ duy trì thực hiện phát hành hàng tuần trên Trang thông tin điện tử về cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (http://caicachhanhchinh.gov.vn) và trên kênh Zalo OA của Bộ Nội vụ, qua đó đã trở thành kênh thông tin, truyền thông thường xuyên, hữu ích để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay về cải cách hành chính; thông tin về các hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và các hoạt động về cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương.

Về cải cách thể chế, trong Quý III năm 2024, Bộ Nội vụ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản do Bộ chủ trì xây dựng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; đồng thời, chú trọng tới công tác theo dõi thi hành pháp luật. Hàng tháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trực tiếp chỉ đạo công tác theo dõi, đôn đốc và báo cáo tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nội vụ theo Chương trình công tác đã ban hành và ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Nội vụ.

Không yêu cầu xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công

Về cải cách thủ tục hành chính, trong Quý III năm 2024, Bộ Nội vụ đã thực hiện đánh giá tác động đối với 04 thủ tục hành chính trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Bộ Nội vụ đã rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, yêu cầu điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực lưu trữ. Theo đó, các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực lưu trữ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ đã cắt giảm được 50% quy định về thủ tục hành chính, gần 40% thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính, hơn 60% quy định về yêu cầu điều kiện kinh doanh.

Bộ Nội vụ có 55 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và lĩnh vực tổ chức phi chính phủ cần thực thi phương án phân cấp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

Đối với 40 thủ tục hành chính lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư quy định phân cấp một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của Bộ Nội vụ, đã thực thi phương án phân cấp 33 thủ tục hành chính lĩnh vực tôn giáo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ Bộ Nội vụ về Ban Tôn giáo Chính phủ.

Hiện nay, các địa phương đã triển khai thực hiện phương án phân cấp giải quyết 05 thủ tục hành chính lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (phân cấp thẩm quyền từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân cấp huyện về Phòng Nội vụ.

Đối với 15 thủ tục hành chính lĩnh vực tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ đã có phương án phân cấp 06 thủ tục hành chính về hội và 09 thủ tục hành chính về quỹ thuộc thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 93/2019/NĐ-CP.

Bộ đã ban hành văn bản gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ không yêu cầu cá nhân, tổ chức xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh về cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Bộ đã rà soát, cập nhật, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính được công bố thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Các Quyết định công bố thủ tục hành chính được niêm yết, công khai tại Bộ phận Một cửa của Bộ, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa của Bộ Nội vụ đã được đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân theo dõi, kiểm tra, đánh giá.

Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa của Bộ Nội vụ được thực hiện theo đúng quy định; 100% hồ sơ (trừ văn bản Mật) được số hóa theo dõi, quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa của Bộ Nội vụ; không yêu cầu người dân, tổ chức cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa.

Việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị trong giải quyết thủ tục hành chính được chú trọng, Bộ đã phân công công chức theo dõi, đôn đốc các đơn vị trả lời ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, qua đó kịp thời, tháo gỡ vướng mắc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Đến ngày 20/9/2024, đã nhận được hồ sơ Đề án của 50 tỉnh, thành phố

Vể cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo kết quả sắp xếp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ Nội vụ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Ban Chỉ đạo); đồng thời, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành liên quan góp ý đối với dự thảo Báo cáo về kết quả sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong Quý III năm 2024, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả rà soát Luật tổ chức Quốc hội. Tiếp tục triển khai theo kế hoạch các nhiệm vụ: Tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV), Tổng kết thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)…

Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tính đến ngày 20/9/2024, Bộ Nội vụ đã nhận được hồ sơ Đề án của 50 tỉnh, thành phố, trong đó đã tổ chức thẩm định hồ sơ Đề án của 45 tỉnh, thành phố.

Về quản lý biên chế, công tác quản lý biên chế từ năm 2022 đến nay được Chính phủ thực hiện theo đúng chủ trương, quy định của Bộ Chính trị, bảo đảm thống nhất trong quản lý và đến hết năm 2026 số biên chế tối đa bằng số Bộ Chính trị đã phê duyệt. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về biên chế của Bộ, ngành gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Về cơ bản công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế đã được tổ chức triển khai bám sát theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị; tinh giản biên chế vượt mục tiêu đề ra, tiết kiệm được ngân sách nhà nước,...

Về vị trí việc làm, đến nay, 100% Bộ, ngành, địa phương hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, thực hiện có hiệu quả công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; đồng thời, đặt ra yêu cầu định kỳ rà soát, cập nhật và điều chỉnh vị trí việc làm, bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao trong từng giai đoạn.

21 công chức, viên chức trẻ của Bộ được lựa chọn để tham gia đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ các cấp của Bộ

Về cải cách chế độ công vụ, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ và Văn bản hợp nhất quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; kiểm định chất lượng đầu vào công chức; ban hành kế hoạch phát huy giá trị dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiếp tục tập trung đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương cập nhật, làm sạch, dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan mình để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.

Công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức: Triển khai nhiều biện pháp nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân theo quy định tại Chỉ thị số của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan nhà nước các cấp.

Về chính sách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành theo thẩm quyền Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổ chức chính trị - xã hội và hội và Thông tư hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trong năm 2025.

Bộ đã tổ chức kỳ sát hạch đối với các công chức, viên chức trẻ thuộc đối tượng của Đề án; kết quả, có 21 công chức, viên chức trẻ của Bộ được Hội đồng sát hạch đánh giá đạt kết quả và được lựa chọn để tham gia đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ các cấp của Bộ; ban hành Kế hoạch bố trí, sử dụng công chức, viên chức thực hiện công tác chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ27; quyết định tuyển dụng 04 công chức theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Thực hiện cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên năm 2024 theo Nghị quyết của Chính phủ

Về cải cách tài chính công, Bộ đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài của Bộ Nội vụ; thực hiện công khai thựuc hiện dự toán thu chi ngân sách nhà nước; xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2025 - 2027 gửi Bộ Tài chính thẩm định; tổng hợp, xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2025; hướng dẫn các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc thực hiện cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên năm 2024 theo Nghị quyết của Chính phủ.

Tổ chức thực hiện kiểm tra, xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ. Đến nay đã hoàn thành việc kiểm tra 100% các đơn vị theo kế hoạch; tiếp tục thực hiện thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, đề án của Bộ theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời hướng dẫn các đơn vị lập dự toán theo hướng triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý, chi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, chi phí văn phòng phẩm, điện nước, hội thảo, khánh tiết, công tác trong và ngoài nước. Thường xuyên bám sát, đôn đốc các đơn vị trong việc giải ngân kinh phí, cập nhật kịp thời số kinh phí đã thực hiện và không thực hiện để kịp thời bổ sung cho các nhiệm vụ đột xuất khác.

Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng tài sản công và công tác đầu tư phát triển, quản lý đấu thầu được thực hiện theo quy định.

Dữ liệu được đồng bộ đạt 2.386.486 hồ sơ

Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ đã cơ bản xây dựng xong Cơ sở dữ liệu thẻ cán bộ, công chức, viên chức kết nối Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ; ban hành Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số và an toàn, an ninh mạng cho công chức, viên chức ngành Nội vụ; đẩy mạnh thông tin, truyền thông chính sách qua nền tảng số để thực hiện các tin, bài dạng Infographic, Podcast; xây dựng Báo cáo đề xuất phương án vận hành Trung tâm điều hành thông minh của Bộ (IOC); sửa đổi, bổ sung Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng của Bộ Nội vụ.

Đến thời điểm báo cáo, 100% Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số dữ liệu được đồng bộ về đạt 2.386.486 hồ sơ (264.274 hồ sơ của bộ, ngành; 2.122.212 hồ sơ của địa phương). Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Công an đối khớp được tổng cộng 1.093.773 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tổng số 1.093.830 hồ sơ đã được phê duyệt.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của Bộ được quan tâm, chú trọng, đảm bảo thông suốt 24/7 và cập nhật thường xuyên các phiên bản mới, sao lưu dữ liệu, giám sát các hệ thống, rà soát các văn bản mật trên môi trường điện tử...; hoàn thành phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ cho 34/52 Hệ thống thông tin của Bộ Nội vụ; thực hiện bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 04 lớp theo quy định.

Công tác tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ các phần mềm thuộc Dự án IOC cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ để hướng dẫn vận hành, sử dụng; đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Nội vụ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và hỗ trợ tạo lập Cơ sở dữ liệu chuyên ngành được thực hiện theo Kế hoạch đã được ban hành; xây dựng kế hoạch trưng tập, điều động, biệt phái công chức, viên chức có trình độ chuyên ngành công nghệ thông tin về các đơn vị có nhu cầu, phục vụ tăng cường nguồn nhân lực tại chỗ cho công tác chuyển đổi số của Bộ.

Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng đã bổ sung, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số cũng như các kiến thức nền tảng về dữ liệu và khoa học dữ liệu trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; trí tuệ nhân tạo; chiến lược dữ liệu quốc gia và ngành Nội vụ; các kiến thức để khai thác, sử dụng dữ liệu trong môi trường số đảm bảo an toàn thông tin cá nhân và cơ quan, tổ chức, giúp đẩy nhanh việc hoàn thành công tác chuyển đổi số của Bộ Nội vụ.

Để công tác cải cách hành chính Quý IV đạt kết quả, Bộ Nội vụ đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính của Bộ, thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của Bộ năm 2024 và các năm tiếp theo, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính, tiếp tục triển khai Kế hoạch tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2024; theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo kế hoạch cải cách hành chính của từng Bộ, cơ quan, địa phương và Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của Bộ Nội vụ trên cơ sở bám sát Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Nội vụ, Nghị quyết số 76/NQ-CP và Chỉ thị số 23/CT-TTg; tập trung xây dựng, triển khai các đề án, dự án về cải cách hành chính được giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP; các nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 23/CT-TTg.

Ba là, tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án “Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030” năm 2024; triển khai Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024 (PAR Index 2024), Kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024).

Bốn là, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án được giao, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Năm là, tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; tăng cường thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP; nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Sáu là, tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, gắn kết chặt chẽ với thực hiện chính sách tinh giản biên chế; tổ chức thực hiện tốt công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, bảo đảm đúng với điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm được phê duyệt; thẩm định và trình Chính phủ đối với các hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ đảm bảo tiến độ và chất lượng; thực hiện công tác quản lý công chức, viên chức; chính sách tiền lương; thanh tra chuyên ngành; tinh giản biên chế.

Bảy là, tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ theo theo các kế hoạch đã ban hành.

Tám là, tổ chức kiểm tra cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

Theo https://moha.gov.vn