Văn bản hướng dẫn

Thông tư số 1/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Ngày đăng 20/02/2021 | 2:34 PM  | View count: 2125

Ngày 11/01/2021 Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 1/2021/TT-BNV Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Thông tư áp dụng đối với các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại quận, phường của thành phố Hồ Chí Minh (theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội khóa XIV về Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh); thành phố Đà Nẵng (theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng) và tại phường của thành phố Hà Nội (theo Nghị quyết số 97/2020/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội) và theo Thông tư này.

Việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương thực hiện theo quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và Điều 28 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. 

Đối với các địa phương hải đảo, không có đơn vị hành chính cấp xã thì việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương do Ủy ban nhân dân cấp huyện sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân (nếu có) với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định cơ cấu, thành phần của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương mình quản lý. 

Đối với đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chỉ có một khu vực bỏ phiếu thì vẫn thành lập Ban bầu cử và Tổ bầu cử riêng; thành viên Ban bầu cử có thể tham gia làm thành viên Tổ bầu cử. 

Đối với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng do Ban Chỉ huy đơn vị quyết định. Trong trường hợp một đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân đóng quân trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì chỉ huy đơn vị trao đổi với UBND cấp huyện nơi đóng quân, đề nghị chỉ định UBND một trong các đơn vị hành chính cấp xã phối hợp thực hiện việc lập danh sách cử tri, phát thẻ cho cử tri tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

Về nhiệm vụ, Chủ tịch Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Trưởng ban Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Tổ trưởng Tổ bầu cử (người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử) chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng thành viên tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình từ giai đoạn chuẩn bị, triển khai, tổ chức ngày bầu cử, các công việc tiến hành sau ngày bầu cử cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử theo quy định tại Điều 28 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Trong đó, phân công một thành viên làm thư ký chịu trách nhiệm quản lý tài liệu, con dấu, tổng hợp chung công tác bầu cử của tổ chức phụ trách bầu cử.

Về địa điểm bỏ phiếu, tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương như: nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong; địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.

Việc chuẩn bị hòm phiếu, số lượng, kích cỡ hòm phiếu tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương theo hướng dẫn cụ thể của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Hòm phiếu được đóng mới hoặc sử dụng hòm phiếu bầu cử hiện có. Hòm phiếu phải bảo đảm chắc chắn, trang trí sạch đẹp, phía mặt trước của hòm phiếu có dán hình Quốc huy, phía dưới có dòng chữ “HÒM PHIẾU”. Ngoài hòm phiếu chính, Tổ bầu cử phải chuẩn bị hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động) và băng niêm phong hòm phiếu.

Về tài liệu liên quan đến công tác bầu cử, Tổ bầu cử phân công thành viên nhận các loại tài liệu từ Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban bầu cử cùng cấp: Thẻ cử tri theo danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu và phát cho cử tri trước ngày bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử; Nhận đủ số lượng phiếu bầu theo danh sách cử tri và số lượng phiếu bầu dự phòng; Con dấu của Tổ bầu cử và con dấu “Đã bỏ phiếu”; Các loại biên bản, biểu mẫu của Tổ bầu cử; Danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu; Danh sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu; Nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử, mẫu diễn văn khai mạc, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân; Phù hiệu của các thành viên Tổ bầu cử; Văn phòng phẩm và các tài liệu khác liên quan đến bầu cử theo hướng dẫn của địa phương.

Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn các công việc thực hiện trước ngày bầu cử, trong ngày bầu cử của Tổ bầu cử; Công tác kiểm kê, kiểm tra và phân loại phiếu bầu; Kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử; Niêm phong và quản lý phiếu bầu sau khi kiểm phiếu; Chế độ thông tin, báo cáo; Các tình huống có thể phát sinh trước, trong và sau ngày bầu cử…

Chi tiết Thông tư số 1/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021