xây dựng chính quyền

Giải pháp thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025
Ngày đăng 09/07/2024 | 5:05 PM  | View count: 964

Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 117/NQCP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; Thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc theo chủ trương, định hướng của Trung ương, song cũng phải đảm bảo đoàn kết, phát huy dân chủ, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị nhằm tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân.

Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở Thủ đô đã không chỉ ảnh hưởng, tác động đến hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô mà còn tác động đến an ninh chính trị, sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đât nước; tác động đến tâm tư, tình cảm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Những yếu tố là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia; vị trí đặc biệt về quốc phòng - an ninh; truyền thồng lịch sử, văn hóa, bản sắc của phong tục tập quán; trình độ phát triển đô thị; trình độ phát triển kinh tế; dân cư có tác động sâu sắc nhất, không đơn thuần về tiêu chí diện tích tự nhiên, dân số, do đó yêu cầu việc triển khai, tổ chức thực hiện phải được tiến hành khoa học, chặt chẽ, thận trọng, cụ thể:

Thành phố Hà Nội đã tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện với Phương án tối ưu, khoa học và khả thi nhất; đáp ứng yêu cầu hiện tại và sự ổn định, phát triển lâu dài trong tương lai, sát với tình hình thực tiễn; trong triển khai đã có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả, nổi bật là:

1- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo

- Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo trong đó giao trách nhiệm cho cơ quan thường trực là Sở Nội vụ nghiên cứu hướng dẫn, đôn đốc, rà soát, thẩm định và đề xuất phương án cụ thể đối với từng quận, huyện, thị xã.

- Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cũng như quyết định chính sách đặc thù như: nghị quyết về chế độ cán bộ dôi dư hoặc cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, xây dựng văn bản, hướng dẫn quy trình cách làm; hướng dẫn đề cương, đề án, các biểu mẫu. Các Sở ban ngành liên quan như: Sở Tài chính, Tư pháp, Công an Thành phố…xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

- Tổ chức làm việc với các địa phương, đơn vị về nội dung dự thảo phương án, đề án để có chỉ đạo thống nhất ngay từ đầu; các bước làm việc đều xây dựng bản đồ, có các số liệu và đánh giá về các tiêu chí liên quan để có cách nhìn toàn diện, thống nhất từ Thành phố đến địa phương; tạo sự thống nhất cao trong xây dựng phương án.

- Tổ chức Hội nghị Cán bộ chủ chốt toàn Thành phố và triển khai đến cấp xã để phổ biến, quán triệt; đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông chính thức và mạng xã hội, các diễn đàn xã hội từ Thành phố đến cơ sở. Thường xuyên giao ban, đôn đốc tiến độ, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. 

2. Về xây dựng phương án sắp xếp

- Theo tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số: Thành phố Hà Nội có 173 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã và quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp.

  • Căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn quy định và thực tiễn ở mỗi địa phương, các quận, huyện, thị xã xây dựng dự thảo theo phương án sắp xếp cụ thể gửi Sở Nội vụ rà soát, thẩm định, tham mưu, đề xuất phương án cụ thể để Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tiến hành làm việc, cho ý kiến thống nhất hay điều chỉnh dự thảo phương án để trình Ban Chỉ đạo Thành phố. Tiếp theo, các quận, huyện báo cáo đề xuất bổ sung phương án theo góp ý của Tổ giúp việc để trình Ban Chỉ đạo Thành phố cho ý kiến trước khi trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy phê chuẩn chủ trương.

Đề án tổng thể sắp xếp ĐVHC của Thành phố Hà Nội đã được HĐND Thành phố thông qua, tác động đến 130 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện, thị xã; Phương án sắp xếp của Hà Nội sẽ giảm 61 xã, phường; có 03 địa phương (huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng) xây dựng Đề án lên quận, thực hiện sắp xếp theo Đề án xây dựng huyện lên quận.

Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh, thông minh và hiện đại vào năm 2030

3. Triển khai phê duyệt Phương án - Đề án

Sau khi Ban Chỉ đạo Thành phố, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương; các quận, huyện, thị xã đã tập trung xây dựng phương án cụ thể và triển khai một số giải phát rất cụ thể để tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên và đồng thuận trong nhân dân, đồng chú ý là:

  1. Về phương án đặt tên ĐVHC mới sau sắp xếp:

- Đây là nội dung được nhân dân rất quan tâm, bởi việc đặt tên ĐVHC sau sắp xếp có liên quan đến các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng gắn với giá trị tinh thần, niềm tự hào của cộng đồng dân cư nơi sắp xếp. Trong quá trình triển khai xây dựng Đề án, Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng nguyên tắc đặt tên cho ĐVHC mới theo thứ tự ưu tiên về tên gọi: địa danh có yếu tố lịch sử văn hóa lâu đời; địa danh cũ; có chung đặc điểm về văn hóa; nếu không có các yếu tố trên thì ghép tên các ĐVHC cũ nhưng tên gọi mới phải đảm bảo các giá trị ngôn ngữ, có ý nghĩa và đặc điểm của địa bàn.

 (2) Về phương án bố trí, sắp xếp, phân công cán bộ, nhất là cấp trưởng, người đứng đầu tổ chức ở các địa phương phải sắp xếp và cán bộ dôi dư

Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, có phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn; vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức vừa phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công việc của từng CBCC, với một số chỉ đạo cụ thể:

- Dựa trên năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp xã để xem xét tuyển dụng, điều động hoặc luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của cấp huyện, ở địa phương khác trong Thành phố theo yêu cầu nhiệm vụ.

- Cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, Thành phố cho nghỉ chế độ theo quy định pháp luật; cán bộ có nguyện vọng nghỉ công tác, chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời. Đồng thời, Thành phố sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính cấp huyện.

- Ngoài các cơ chế, chính sách chung của Trung ương. Đối với cán bộ dôi dư; Thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ công tác khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Nhờ triển khai dân chủ, khách quan, khoa học nên đến nay cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các địa phương thực hiện sắp xếp đều thống nhất cao, chưa có đơn thư, khiếu nại, phản ánh để phản đối.

 (3) Về Phương án thay đổi tên gọi trong hồ sơ, giấy tờ có liên quan của tổ chức, công dân bị ảnh hưởng do sắp xếp:

Công an Thành phố, Sở Tư pháp và các sở, ngành có liên quan của Thành phố đã xây dựng phương án hỗ trợ tổ chức, công dân trong việc chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ do sắp xếp; trong đó Thành phố đã có chỉ đạo sau khi thực hiện sắp xếp xong. Các cơ quan có liên quan sẽ thực hiện làm thủ tục, hồ sơ cho tổ chức và cá nhân tại thôn, tổ dân phố ở xã, phường, thị trấn và không thu lệ phí của tổ chức, cá nhân.

(4) Phương án bố trí, sắp xếp, khai thác có hiệu quả trụ sở, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính của các cơ quan, đơn vị:

         Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính gắn với lộ trình thực hiện Đề án quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công trên địa bàn Thành phố.

         Sở Tài chính đã rà soát xây dựng phương án quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công trên địa bàn Thành phố đảm bảo huy động và sử dụng có hiệu quả trụ sở; khai thác tốt các cơ sở vật chất, tài sản

  1. Tổ chức lấy ý kiến cử tri và thông qua HĐND các cấp

Do việc xây dựng Phương án khoa học, chặt chẽ, đồng thời đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, phương án sắp xếp tới đông đảo nhân dân Thủ đô nên phương án đã nhận được sự đồng thuận rất cao trong nhân dân, thể hiện trong kết quả:

- Có 99,02% tổng số cử tri tham gia cho ý kiến về Đề án sắp xếp ĐVHC.

- Có 97,00% tổng số cử tri đồng ý với Đề án sắp xếp ĐVHC.

  • Có 96,54% cử tri đồng ý tên gọi ĐVHC sau sắp xếp.

Sau khi có kết quả tổng hợp lấy ý kiến cử tri, HĐND các cấp đã tổ chức kỳ họp chuyên ban hành nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC trên địa bàn với tỷ lệ:

- Có 92 xã, thị trấn có 100% đại biểu HĐND đồng ý tán thành chủ trương.

- Có 20/20 quận, huyện, thị xã có 100% đại biểu HĐND đồng ý tán thành chủ trương.

Từ kết quả đồng thuận của nhân dân, thống nhất của HĐND và tập thể lãnh đạo các quận, huyện, thị xã; UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC; HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương; UBND Thành phố đã trình Đề án lên Bộ Nội vụ thẩm định, báo cáo Chính phủ - Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phê duyệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Hà Nội.

Thực hiện sắp xếp ĐVHC là chủ trương lớn, việc làm khó, phức tạp, nhạy cảm, khối lượng công việc nhiều, yêu cầu tiến độ gấp, nhất là phải sớm hoàn thành để phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và bầu cử Quốc hội, HĐND nhiệm kỳ tới. Sau khi có Nghị quyết của UBTV Quốc hội về sắp xếp ĐVHC của thành phố Hà Nội, Thành phố sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm đó là:

         Một là , tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm xây dựng nền hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng như tạo không gian phát triển hợp lý tại các địa phương và phục vụ nhân dân được tốt hơn để tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và trong Nhân dân.

Hai là, tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, ổn định bộ máy, nhân sự tại các đơn vị hành chính được sắp xếp, nhất là làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ dôi dư và cán bộ, công chức, người lao động thuộc diện phải điều động sang đơn vị khác hoặc bố trí công tác khác nhằm ổn định tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công chức sau sắp xếp; đồng thời lựa chọn cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực tốt để tiếp tục bố trí vào các vị trí người đứng đầu ĐVHC sau sắp xếp.

Ba là: giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

         Bốn là, tập trung bố trí, sắp xếp nhanh chóng, khai thác có hiệu quả đối với trụ sở, nhà, đất, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp gắn với lộ trình thực hiện Đề án quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công trên địa bàn Thành phố.

Năm là, quan tâm, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội, tạo lập môi trường và điều kiện sống tốt hơn cho người dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thân cho người dân.

Phòng XDCQ