giới thiệu
tin tức sự kiện
Lĩnh vực chuyên môn
Cải cách hành chính
Thủ tục hành chính
Quản lý nhân sự
Thông tin đầu tư công
Đơn vị trực thuộc
Lãnh đạo Sở
Ngày 28/10/2024, Sở Nội vụ Hà Nội ban hành Văn bản số 3560/SNV-TDQLĐTBD về việc thi nâng ngạch công chức năm 2024 của thành phố Hà Nội.
Ảnh minh họa
Theo đó, Sở Nội vụ hướng dẫn rà soát, xác định chỉ tiêu và nộp hồ sơ đăng ký thi nâng ngạch công chức năm 2024 như sau:
Đối tượng dự thi:
Cán bộ, công chức hiện đang giữ ngạch nhân viên hoặc tương đương, cán sự hoặc tương đương, chuyên viên hoặc tương làm việc trong các cơ quan hành chính cấp Thành phố, cấp huyện.
Công chức phường được quy định tại Nghị định số 32/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội
Tiêu chuẩn, điều kiện chung
Được xếp loại chất lượng công chức ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật; không đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; không đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.
Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn.
Đang công tác tại vị trí việc làm có cơ cấu ngạch công chức đăng ký dự thi.
Đối với các trường hợp dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, kế toán viên chính phải là cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính cấp Thành phố, cấp huyện.
Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ (không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học) và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi.
Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi;
Trường hợp công chức trước khi được tuyển dụng hoặc được tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí có yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp (nếu thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan có thẩm quyền tính làm căn cứ xếp lương ở ngạch công chức hiện giữ thì được tính là tương đương với ngạch công chức hiện giữ.
Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch dưới liền kề với ngạch dự thi tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
Tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể
Thi nâng ngạch công chức chuyên ngành hành chính
Từ ngạch nhân viên lên ngạch cán sự
- Công chức hiện đang giữ ngạch nhân viên (mã số 01.005), có khả năng thực hiện các chức trách, nhiệm vụ và đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức ngạch cán sự theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.
- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác.
- Có thời gian giữ ngạch nhân viên và tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với ngạch nhân viên thì thời gian giữ ngạch nhân viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
Từ ngạch cán sự lên ngạch chuyên viên
- Cán bộ, công chức hiện đang giữ ngạch cán sự (mã số 01.004), có khả năng thực hiện các chức trách, nhiệm vụ và đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức ngạch chuyên viên theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 06/2022/TT-BNV ngày 28/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên có ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên.
- Có thời gian giữ ngạch cán sự và tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với ngạch cán sự thì thời gian giữ ngạch cán sự tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
Từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính
- Cán bộ, công chức hiện đang giữ ngạch chuyên viên (mã số 01.003), có khả năng thực hiện các chức trách, nhiệm vụ và đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức ngạch chuyên viên theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 06/2022/TT-BNV ngày 28/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.
- Có thời gian giữ ngạch chuyên viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với ngạch chuyên viên thì thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ
12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch;
- Trong thời gian giữ ngạch chuyên viên và tương đương đã tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên mà cơ quan sử dụng công chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.
Thi nâng ngạch công chức từ ngạch thanh tra viên lên ngạch thanh tra viên chính
- Là công chức đang giữ ngạch thanh tra viên (mã số 04.025), có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức thanh tra viên chính (mã số 04.024) theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.
- Có thời gian công tác ở ngạch Thanh tra viên và tương đương tối thiểu từ 09 năm trở lên, trừ trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và đang giữ ngạch công chức, viên chức, cấp hàm tương đương ngạch Thanh tra viên chính chuyển sang cơ quan thanh tra. Trường hợp có thời gian tương đương với ngạch Thanh tra viên thì thời gian giữ ngạch Thanh tra viên tối thiểu là 01 năm (đủ 12 tháng);
- Trong thời gian giữ ngạch Thanh tra viên và tương đương đã tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên mà cơ quan sử dụng, quản lý Thanh tra viên được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu;
- Có bằng đại học trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên chính; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính;
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Thi nâng ngạch công chức chuyên ngành Kế toán
Từ kế toán viên trung cấp lên kế toán viên
- Công chức hiện đang giữ ngạch kế toán viên trung cấp (mã số 06.032), có khả năng thực hiện các chức trách, nhiệm vụ và đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức ngạch kế toán viên (mã số 06.031) theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 29/2022/TTBTC ngày 03/6/2022 của Bộ trưởng Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương.
- Đang giữ ngạch kế toán viên trung cấp và có thời gian giữ ngạch kế toán viên trung cấp hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch kế toán viên trung cấp tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
Từ kế toán viên lên kế toán viên chính
- Công chức hiện đang giữ ngạch kế toán viên (mã số 06.031), có khả năng thực hiện các chức trách, nhiệm vụ và đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức ngạch kế toán viên chính (mã số 06.030) theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 29/2022/TTBTC ngày 03/6/2022 của Bộ trưởng Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.
- Đang giữ ngạch Kế toán viên và có thời gian giữ ngạch Kế toán viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch kế toán viên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.
- Trong thời gian giữ ngạch kế toán viên hoặc tương đương đã tham gia xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên (cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; Hội đồng nhân dân cấp huyện, các Ban trực thuộc Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố) liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu. Cụ thể:
+ Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền đối với trường hợp không bắt buộc phải thành lập Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
+ Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo hoặc Tổ giúp việc, Tổ biên tập, Tổ biên soạn đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền.
Thi nâng ngạch công chức từ ngạch văn thư viên trung cấp lên ngạch văn thư viên
- Công chức hiện đang giữ ngạch văn thư viên trung cấp (mã số 02.008), có khả năng thực hiện các chức trách, nhiệm vụ và đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của công chức ngạch văn thư viên (mã số 02.007) theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 02/2021/TTBNV ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 06/2022/TT-BNV ngày 28/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành văn thư - lưu trữ, lưu trữ học, lưu trữ học và quản trị văn phòng. Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành hoặc chuyên ngành văn thư hành chính, văn thư - lưu trữ, lưu trữ.”.
- Có thời gian giữ ngạch văn thư viên trung cấp và tương đương, trong đó nếu có thời gian tương đương với ngạch văn thư viên trung cấp thì thời gian giữ ngạch văn thư viên trung cấp tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch. Cụ thể như sau:
+ Trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ đào tạo cao đẳng phải có thời gian giữ ngạch văn thư viên trung cấp và tương đương từ đủ 02 năm trở lên (không kể thời gian tập sự);
+ Trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ đào tạo trung cấp phải có thời gian giữ ngạch văn thư viên trung cấp và tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự).
Hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch
Thành phần hồ sơ
- Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức theo quy định hiện hành, được lập chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thi nâng ngạch;
- Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng cán bộ, công chức về việc đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi theo quy định;
- Bản sao có chứng thực theo quy định các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch công chức dự thi:
- Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên hoặc bằng tốt nghiệp đại học trở lên theo yêu cầu của vị trí việc làm;
- Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức đăng ký dự thi.
- Bản sao có chứng thực theo quy định các quyết định: Tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch, thay đổi ngạch; tiếp nhận, điều động (nếu có); bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; quyết định nâng lương hiện hưởng;
- Bản đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức của năm 2023;
- Văn bản đề nghị của người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ, công chức và danh sách trích ngang người được cử dự thi nâng ngạch;
- Các yêu cầu khác theo quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức dự thi.
Trách nhiệm thiết lập hồ sơ
Hồ sơ đăng ký dự thi của mỗi cán bộ, công chức được để vào một bì đựng riêng theo quy định.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức dự thi chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND Thành phố về tiêu chuẩn, điều kiện của người được cử dự thi nâng ngạch công chức; cơ cấu ngạch công chức theo vị trí việc làm được phê duyệt đối với vị trí cử người đi dự thi.
Cán bộ, công chức dự thi nâng ngạch công chức phải chịu trách nhiệm về tính trung thực đối với các nội dung trong hồ sơ dự thi. Cán bộ, công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, kê khai không đúng sự thật để đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch công chức khi bị phát hiện sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định và hủy kết quả xét nâng ngạch theo quy định.
Báo cáo cơ cấu và đề xuất hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch
Thủ trưởng các cơ quan thực hiện thông báo công khai nội dung hướng dẫn về thi nâng ngạch công chức; tổng hợp, báo cáo về cơ cấu ngạch công chức, nhu cầu sử dụng công chức và đề xuất chỉ tiêu nâng ngạch công chức.
Lập danh sách kèm hồ sơ các trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện cử dự thi nâng ngạch.
Hồ sơ người đủ tiêu chuẩn, điều kiện thi nâng ngạch công chức nộp tại Bộ phận Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, Sở Nội vụ Hà Nội (địa chỉ số 18B phố Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).
Văn bản và danh sách đề nghị gửi về Sở Nội vụ (Phòng Tuyển dụng và quản lý đào tạo, bồi dưỡng). Thời gian nhận hồ sơ, văn bản và danh sách đăng ký dự thi nâng ngạch trước 17h00 ngày 10/11/2024.