thông tin tuyên truyền

Nêu cao đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa"
Ngày đăng 19/06/2017 | 11:19 AM  | View count: 5136

Ngày 27-7, cả nước và toàn xã hội kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017) với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc đối với những người có công với cách mạng, những người đã chiến đấu, hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình hoặc mang trên mình thương tật suốt đời vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", 70 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc, cụ thể công tác đền ơn, đáp nghĩa, ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và gia đình tiếp tục được hoàn thiện và thực hiện có kết quả. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm triển khai liên tục, rộng khắp. Phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, có hiệu quả thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của nhân dân. 

Thời gian qua, dù tình hình kinh tế đất nước đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng và không ngừng đẩy mạnh, mở rộng công tác đền ơn, đáp nghĩa thông qua việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ gia đình và người có công với nước. Qua đó thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, huy động mọi nguồn lực xã hội, cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công... Tạo điều kiện, khuyến khích người và gia đình có công tích cực tham gia phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn. Trong những ngày này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh trong cả nước... Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương cùng các bộ, ngành, đoàn thể đã dành kinh phí và vận động các nguồn lực xã hội để triển khai kịp thời các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Qua đó tạo niềm tin đối với người có công về sự chăm lo, trợ giúp của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến, hy sinh của họ vì độc lập, tự do của dân tộc.

Đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan toả lớn lao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... tích cực, chủ động tham gia, với các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa; đỡ đầu con em của thương binh, liệt sĩ; trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách... Tuy nhiên, hiện nay còn một bộ phận người có công đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Việc thực hiện đầy đủ, kịp thời những chính sách dành cho người có công còn hạn chế, bất cập; có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta chưa thể yên lòng khi còn những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công còn nhiều khó khăn trong cuộc sống; vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, danh tính, là niềm day dứt khôn nguôi trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta.

Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với những người có công trong các thời kỳ lịch sử của đất nước. Khẩn trương giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công. Đẩy mạnh, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền về công tác đền ơn, đáp nghĩa. Động viên, khuyến khích cả cộng đồng tích cực, chủ động tham gia chăm sóc, đền ơn, đáp nghĩa người có công với nước bằng những việc làm cụ thể. Tạo điều kiện thuận lợi giúp các gia đình chính sách vượt qua khó khăn, tự chăm lo đời sống của bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công, kịp thời chấn chỉnh những hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm; đồng thời, động viên, khen thưởng xứng đáng những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác quan trọng này.

Đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội, để cuộc sống tinh thần và vật chất của người có công đầy đủ hơn, ấm áp hơn. Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo http://www.nhandan.com.vn