thông tin tuyên truyền

Hà Nội tổ chức cao điểm tuyên truyền, tạo sức lan tỏa, tác động xã hội của Luật Thủ đô (sửa đổi)
Ngày đăng 02/08/2023 | 3:13 PM  | View count: 717

Ngày 31-7, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023.

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

 

Tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố trình bày báo cáo tóm tắt kết quả công tác tuyên truyền PBGDPL 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai công tác thông tin tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô.

Thông tin đáng lưu ý, thực hiện chủ đề năm 2023: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, công tác PBGDPL của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023 đạt kết quả tích cực. Hội đồng Phối hợp PBGDPL thành phố chủ động, sáng tạo triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Một số mô hình, cách thức tuyên truyền, PBGDPL có hiệu quả, đó là tuyên truyền, PBGDPL qua Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật (https//pbgdpl.hanoi.gov.vn); qua hệ thống cơ quan báo chí; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập Trang thông tin điện tử, mạng xã hội (fanpage, Zalo, Facebook...) để thực hiện lan tỏa các bài viết tuyên truyền pháp luật. Phối hợp với các doanh nghiệp sở hữu màn hình điện tử tại thang máy trong các tòa nhà cao tầng, khu chung cư, khu đô thị triển khai tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đặc biệt là tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật qua hình thức mới sáng tạo xây dựng video (cuộc thi “Hòa giải viên giỏi" trên địa bàn thành phố Hà Nội).

Về tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Phạm Thị Thanh Hương thông tin, với nhiệm vụ này, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 16-2-2023 tăng cường thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cùng với đó là chủ động tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL thành phố phối hợp Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai hoạt động truyền thông Luật Thủ đô (sửa đổi) và chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), phân công nhiệm vụ tuyên truyền tới toàn thể hệ thống chính trị của thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Sở Tư pháp kiến nghị việc tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên trong năm 2023, 2024, nhưng cần có những đợt cao điểm, trước, trong, sau thời điểm Quốc hội thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Kết luận và chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nền tảng trong việc giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, tuyên truyền phải có chiều sâu, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, chọn những chuyên đề thành phố, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Đề cập dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bên cạnh việc tổ chức các đợt cao điểm truyền thông, thực hiện đúng tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên Hội đồng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trên cơ sở đó, phát huy sự tham gia góp ý kiến của người dân; năng lực nghiên cứu, phản biện của đội ngũ tri thức, nhà khoa học trên địa bàn thành phố; kết nối giữa đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia với các nhiệm vụ chính trị của thành phố, tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển...

"Việc ban hành Luật Thủ đô sửa đổi là cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính đột phá để phát triển Thủ đô theo tinh thần nghị quyết 15 của Bộ Chính trị ", đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh tuyên truyền góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu đẩy mạnh truyền thông về phòng cháy, chữa cháy như kỹ năng thoát hiểm, sử dụng thiết bị chữa cháy.

Cùng với đó là, triển khai mạnh mẽ cải cách hành chính, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo tinh thần chỉ đạo tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ. Đích đến là ngày càng có nhiều người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh vào 2030.

Theo https://hanoimoi.vn