TIN TỨC MỚI

Kết quả thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội
Ngày đăng 17/10/2018 | 3:29 PM  | View count: 2607

Kết quả thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và TT 10/2015/TT-NHNN

Kết quả thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và TT 10/2015/TT-NHNN

Ngày 16/10/2018 tại trụ sở NHNN Chi nhánh TP Hà Nội, Đoàn công tác Liên ngành NHNN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam,  Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có buổi khảo sát nhằm nắm bắt tình hình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Thông tư 10/2015/TT-NHNN; triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP và lấy ý kiến đóng góp Thông tư sửa đổi một số điều của TT10. Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội và đồng chí Trần Văn Tần – Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh Tế - NHNN Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hà Nội, sở Khoa học công nghệ, Sở tài nguyên môi trường, Sở tài chính, Hội Nông dân Việt Nam TP Hà Nội, Hội liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội, Liên minh HTX TP Hà Nội và đại diện một số TCTD trên địa bàn.

Đồng chí Trần Văn Tần – Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh Tế - NHNN Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Kết quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội

Nhờ triển khai đồng bộ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng, đến tháng 9/2018, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn đạt gần 1.8 triệu tỷ đồng. Cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đáp ứng cho hơn 53,2 nghìn khách hàng với dư nợ đạt 136,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,97% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, trong đó cho vay cá nhân, hộ gia đình đạt 45,3 nghìn tỷ đồng; Cho vay chủ trang trại đạt 7,7 tỷ đồng; cho vay Doanh nghiệp đạt 90,5 nghìn tỷ đồng; cho vay HTX, liên hiệp HTX đạt 47 tỷ đồng...

Việc triển khai các chương trình tín dụng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã đạt kết quả tích cực, cụ thể:

- Cho vay không có tài sản đảm bảo cho từng đối tượng khách hàng đạt hơn  29,4 nghìn tỷ đồng;  

- Cho vay khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết đạt hơn 2,3 nghìn tỷ đồng;  

- Cho vay khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 550 tỷ đồng.

- Cho vay sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết và ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 390 tỷ đồng.

Qua 3 năm thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Đến nay, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tăng trưởng khá mạnh, chiếm tỷ trọng lớn so với các lĩnh vực khác và tăng bình quân hơn 20%/năm. Vốn tín dụng của các TCTDtreen địa bàn Hà Nội cũng đã tập trung vào các ngành nghề là thế mạnh và có tiềm năng lớn của Thủ đô. Nhờ nguồn vốn tín dụng, nhiều cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn, các hợp tác xã, chủ trang trại, làng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục ngành nghề truyền thống, tạo thêm nhiều công ăn việc làm.

- Nghị định 55 có nhiều điểm mới khắc phục được những vướng mắc, hạn chế của Nghị định 41/2010/NĐ-CP đã mang lại nhiều thuận lợi, ưu đãi cho người dân tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thực sự là một đòn bẩy tạo điều kiện cho người dân thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, mở ra một thị trường mới từng bước xóa các tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tạo cơ hội cho các cá nhân, gia đình có thu nhập thấp không có tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng.

- Nghị định 55/2015/NĐ-CP bước đầu đã tác động tích cực trong quá trình phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống điện, thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình, cấp thoát nước, giao thông vận tải, cơ sở sản xuất... tạo thêm nguồn lực đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông phát triển kinh tế xã hội địa phương. Hình thành một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Với sự hỗ trợ của ngân hàng, người dân đã phát triển một số mô hình như trang trại trồng hoa lan trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ nuôi cấy mô, tưới phun sương tiết kiệm nước ở huyện Đông Anh; hay mô hình chăn nuôi lợn, bò sữa theo quy trình công nghệ chuồng khép kín, có hệ thống điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, máng ăn, uống tự động tập trung ở các huyện Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Đan Phượng, Quốc Oai… đã cho sản phẩm chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 Đến cuối năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn thành phố đạt 41.741 tỷ đồng. Trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 38.076 tỷ đồng; lâm nghiệp đạt 109 tỷ đồng, thủy sản đạt 3.556 tỷ đồng. Đã có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung quy mô 20 ha trở lên, duy trì 5.044 ha canh tác rau an toàn; 50 vùng sản xuất hoa cây cảnh tập trung với quy mô 20 ha/vùng; hình thành 105 mô hình ứng dụng công nghệ cao; có 119 ha nhà lưới trồng rau… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 43,17 triệu đồng/người/năm. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2017 trên địa bàn toàn Thành phố đạt 86,06%...

Trang trại sản xuất con giống gà của Công ty TNHH TM&DV tổng hợp Tiến Đạt, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội

Bên cạnh kết quả đạt được, việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp một số khó khăn như:

- Tài sản bảo đảm: hầu hết các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ mới được cấp quyền sử dụng đất, còn phần tài sản gắn liền trên đất không được cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sở hữu nên khi thực hiện công chứng tài sản thế chấp các văn phòng công chứng chỉ công nhận việc thế chấp bằng quyền sử dụng đất còn tài sản gắn liền trên đất chưa được cấp quyền sở hữu.

- Nhiều hộ làm trang trại có nhu cầu vay vốn theo Nghị định số 55, nhưng không được tiếp cận vốn vay do nhiều năm vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Hộ sản xuất không được vay vốn với số lượng lớn do việc định giá giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp theo khung giá do UBNDTP quy định là rất thấp nên không có đủ tài sản bảo đảm tiền vay.

- Cho vay hộ dân, doanh nghiệp, HTX, Liên hiệp HTX gặp nhiều khó khăn như:  quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết, liên hoàn, hỗ trợ nhau từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả kinh doanh thấp, thiếu tính nhạy bén và năng động trong điều hành sản xuất kinh doanh là những khó khăn chính; không có phương án vay vốn rõ ràng, không có trụ sở nên khó tạo niềm tin vay vốn…

- Hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhìn chung còn thấp, môi trường kinh doanh còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phầm kém bền vững dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ khách hàng không có đủ nguồn thu để trả ngân hàng.

Nhiệm vụ và giải pháp của ngành ngân hàng Hà Nội để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn trong thời gian tới

Để nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian tới, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, NHNN chi nhánh TP Hà Nội xác định một số nhiệm vụ và biện pháp trọng tâm triển khai của ngành Ngân hàng trên địa bàn như sau:

- Tổ chức triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội và NHNN Việt Nam đến các TCTD trên địa bàn các theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của NHNN Việt Nam, Chương trình hành động và chỉ đạo  của Thành ủy, UBNDTP Hà Nội.

- Tiếp tục phối hợp với các sở ngành quận huyện đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất (nhà kính, nhà lưới,…) làm tài sản đảm bảo khi vay vốn tại TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

- Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội tập trung các biện pháp để tăng trưởng tín dụng, ưu tiên cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, dành nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; Xử lý nợ xấu hiệu quả theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam.

- Đa dạng và mở rộng đối tượng đầu tư, đa dạng các hình thức cấp tín dụng nhằm cung ứng tốt hơn, nhiều hơn nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống. Mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhằm "xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển bền vững hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn", "nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn nhất là những vùng khó khăn", gắn đầu tư tín dụng với việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển  kinh tế xã hội trên địa bàn, đặc biệt đối với các xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Tăng cường sự phối kết hợp hiệu quả với các cấp tổ chức Hội nông dân và Hội Phụ nữ để đẩy mạnh cho vay thông qua tổ nhóm. Phối hợp với các sở ngành quận huyện, đặc biệt là Sở No&PTNT cập nhật thông tin, dự báo về xu hướng phát triển, cảnh báo các rủi ro về ngành nghề, cây con để giúp việc cho vay của  vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả.

Phương Thủy