TIN VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thiết lập hệ thống công nghệ nhiều tiện ích
Ngày đăng 20/03/2019 | 8:21 PM

Năm 2019, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với việc đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, thành phố cũng đã đề xuất, đưa ra các giải pháp nhằm thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin với nhiều tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp...

Tỷ lệ giao dịch qua mạng đạt cao

Theo ông Lê Tự Lực, Phó chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, trong kế hoạch về công nghệ thông tin năm 2019, Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ phấn đấu 80% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cung cấp ở mức độ 3 và 4; phấn đấu ít nhất 30% dịch vụ công mức độ 4... Tuy nhiên, tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố (diễn ra trung tuần tháng 2-2019), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị các đơn vị đặt mục tiêu cao hơn. Cụ thể, phải đạt cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, 35% dịch vụ mức độ 4. 

Đến nay, Hà Nội đã cung cấp 1.058 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (tổng số 1.922 dịch vụ), đạt 55%; đáng chú ý, lượng hồ sơ giao dịch qua mạng ở một số ngành, lĩnh vực đạt tỷ lệ rất cao. Cụ thể, 100% doanh nghiệp đăng ký thành lập mới được thực hiện qua mạng; kê khai hải quan điện tử đạt 100%; kê khai thuế điện tử, bảo hiểm xã hội đạt hơn 98%. Lĩnh vực giáo dục đã triển khai thành công tuyển sinh trực tuyến đầu cấp với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp học năm sau cao hơn năm trước: Năm 2016 đạt 55,7%, năm 2017: 70,6% và năm 2018: 78,5%. Đây là những lĩnh vực vốn được coi là “nóng” và khi đăng ký được thực hiện qua mạng không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian đi lại, mà còn giúp giảm tải cho cơ quan nhà nước, trường học và minh bạch trong hoạt động.

Theo đánh giá của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trong thời gian qua, ngành Giao thông - Vận tải Thủ đô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động. Hiện, thành phố mở rộng phạm vi triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) tại 165 điểm trông giữ phương tiện; đã thí điểm lắp đặt thiết bị hệ thống vé điện tử thông minh trên tuyến xe buýt BRT. Các lĩnh vực khác như nông nghiệp, y tế, tài nguyên - môi trường... đã ứng dụng công nghệ để cung cấp cho người dân tra cứu, sử dụng, đồng thời giúp cơ quan chức năng nâng cao vai trò quản lý.

Có được kết quả trên, bên cạnh việc chú trọng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng công nghệ phục vụ người dân, doanh nghiệp, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin. Từ sự nỗ lực của các bên, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng tại Hà Nội trong thời gian qua liên tục tăng cao, ở tốp đầu cả nước.