TIN VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Công tác cải cách hành chính tại Hà Nội tạo thêm những bước chuyển nổi bật
Ngày đăng 04/07/2023 | 11:37 AM

Sáng 29/6, Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý 2/2023 diễn ra, xem xét hai vấn đề liên quan đến công tác cải cách hành chính và thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Chủ trì Hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.

Hội nghị nghe báo cáo, thảo luận làm rõ các nội dung: Kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp TP; Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội.

C huyển đổi vị trí công tác với 1.154 trường hợp

Báo cáo về kết quả công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác CCHC đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt-nhất là triển khai các kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng như sơ kết rút kinh nghiệm. Tập trung vào những cơ quan, địa phương, đơn vị được đánh giá thuộc nhóm có chỉ số thấp và có thông tin dư luận phản ánh chưa tốt.

Các đồng chí Thường trực Thành uỷ chủ trì hội nghị

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP đã tạo được một số kết quả và có chuyển biến bước đầu trong thực thi nhiệm vụ. Cụ thể, về cải cách tổ chức bộ máy, thành phố đã hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 (giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức). Đến tháng 6/2023 đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022.

Đồng thời, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đánh giá hằng tháng và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.

Bên cạnh đó, trong cải cách chế độ công vụ, công chức, thành phố đã chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.154 trường hợp theo quy định phân cấp quản lý cán; kiểm tra công vụ đột xuất 30 đơn vị.

Về cải cách tài chính công, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách theo yêu cầu của Trung ương. Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong 5 tháng đầu năm, toàn thành phố đã giải ngân 10.926,8 tỷ đồng, đạt 23,3% kế hoạch. Triển khai kế hoạch chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính, đã có 45/50 đơn vị ban hành kế hoạch chi tiết, đảm bảo các mục tiêu UBND TP đã giao.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đạt mục tiêu

Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trong việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng. Cùng đó, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Hóa đơn điện tử đang hoạt động đăng ký thành công đạt tỷ lệ 99,16% đối với doanh nghiệp và 99,98% đối với hộ kinh doanh.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh báo cáo tại hội nghị

Đối với việc cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp thành phố, chỉ số Hài lòng (SIPAS) năm 2022 của thành phố Hà Nội đạt 80,16%; xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố, là năm thứ 5 liên tiếp ở vị trí này.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ, đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của thành phố Hà Nội đạt 66,74 điểm (giảm 1,86 điểm so với năm 2021), xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (giảm 10 bậc so với năm 2021), chưa đạt mục tiêu đề ra tại Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ và Chỉ thị số 13/CT-UBND của UBND TP.

Để thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra, UBND TP chỉ đạo xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương trên địa bàn thành phố (DDCI), báo cáo UBND TP trong quý I/2024; Triển khai điều tra, đánh giá và công bố xếp hạng Bộ chỉ số này định kỳ hàng năm. Giao các nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI.

Quang cảnh hội nghị Quang cảnh hội nghị

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của thành phố cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, có những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Cụ thể, Đề án “Bộ phận Một cửa hiện đại” đã được UBND TP phê duyệt, nhưng kết quả và tiến độ triển khai tại các cơ quan, đơn vị còn chậm. Cổng dịch vụ công Thành phố và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của thành phố vận hành còn nhiều lỗi, gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị và công chức, người dân trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến công tác CCHC, đặc biệt là lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy trình nội bộ giải quyết công việc ngoài thủ tục hành chính ở trong cơ quan nên chưa kiểm soát hết tiến độ và chất lượng công việc được giao...

Trong 6 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác CCHC gắn với việc thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PARINDEX, PCI và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính.

Đồng thời, thực hiện rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối da và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, phù hợp với đặc thù của Hà Nội.

Theo https://kinhtedothi.vn/