TỔ CHỨC BỘ MÁY

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội
Ngày đăng 01/06/2024 | 9:29 PM  | View count: 361

Ngày 29/5/2024, ban hành Quyết định số 2799/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội trực thuộc Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hà Nội.

Ảnh Internet
Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý và điều hành trực tiếp của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội. Ban có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (di tích) thuộc địa bàn Thành phố và các di tích quốc gia đặc biệt khác do Thành phố giao quản lý; tổ chức quản lý trực tiếp các di tích, công trình văn hóa thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội giao; tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Ban và quy định của pháp luật.
 
Ban có nhiệm vụ trực tiếp quản lý các di tích, công trình văn hóa thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội giao quản lý gồm: Di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn; Tượng đài Vua Lê; Di tích đền Bà Kiệu; Di tích Bác Hồ ở Vạn Phúc - Hà Đông; Di tích 48 Hàng Ngang; Di tích 5D Hàm Long; Di tích 90 Thợ Nhuộm; Tượng đài vua Lý Thái Tổ và các di tích quốc gia đặc biệt khác (nếu có) do Thành phố giao quản lý.
 
Tổ chức bảo vệ, bảo quản, duy tu, bảo dưỡng định kỳ, đột xuất các di tích, công trình văn hóa được giao quản lý; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhằm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo của Thủ đô. Phối hợp tổ chức thực hiện, thực hiện các hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Liên kết, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hoá, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nghiên cứu, hội thảo, hội nghị, sự kiện, dịch vụ văn hoá, khoa học, giáo dục phù hợp với chức năng của Ban.
 
Bên cạnh đó, Ban phối hợp tổ chức sưu tầm tư liệu, hệ thống hóa tư liệu liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc thành phố Hà Nội; phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, bổ sung hồ sơ hiện vật, di vật, bảo vật quốc gia tại các di tích thuộc thành phố Hà Nội. Phối hợp tổ chức quản lý, bảo quản, lưu trữ, khai thác, phát huy giá trị hồ sơ di tích, hiện vật trong các di tích thuộc thành phố Hà Nội. 8. Phối hợp tổ chức thực hiện điều tra, phát hiện, thống kê, kiểm kê, đánh giá, phân loại, lập danh mục các di tích thuộc thành phố Hà Nội. 9. Phối hợp tổ chức lập hồ sơ tư liệu di tích; phối hợp lập hồ sơ xếp hạng di tích, hồ sơ khoa học hiện vật trong các di tích thuộc thành phố Hà Nội. Phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc thành phố Hà Nội...
 
Về cơ cấu tổ chức, Ban gồm Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc; các phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Bảo quản; Phòng Nghiệp vụ cơ sở; Phòng Quản lý và phát huy giá trị di tích. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ có Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng; số lượng cấp phó thực hiện theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Số lượng người làm việc của Ban được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của Ban. Căn cứ vào nguồn thu, Ban được ký một số lao động hợp đồng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu công tác của đơn vị.