Kinh nghiệm cải cách hành chinh

Cách Singapore thay đổi hệ thống công chức
Ngày đăng 28/03/2019 | 4:14 PM  | View count: 4695

Chúng ta nhìn sự phát triển và diện mạo bên ngoài của một đất nước như Singapore cũng giống như nhìn hoa của một cái cây. Để có được những thành quả như vậy, Singapore — một đất nước ít tham nhũng thuộc nhóm đầu thế giới, có một nền hành chính vận hành hiệu quả, hệ thống luật pháp gọn gàng và đáng tin cậy, các chính sách uyển chuyển và thông minh, hệ thống quản lý các hải cảng và sân bay hiệu quả hàng đầu thế giới, các trường đại học nằm trong top 100 thế giới và thuộc những trường hàng đầu châu Á, đất nước được tổ chức quy củ, gọn gàng và sạch sẽ — có được như vậy là nhờ ở hệ thống công chức.

 

Tượng sư tử biển Merlion trên đảo Sentosa (Singapore)

Ở bất cứ một quốc gia nào, việc thay đổi và áp dụng các chính sách mới đều cần có sự kết hợp của cả hai đối tượng: chính trị gia và hệ thống công chức. Chính trị gia đề xuất ý tưởng, còn giới công chức sẽ tổ chức nghiên cứu, đề xuất chính sách, góp ý, hình thành luật, và chính hệ thống công chức sẽ bảo đảm luật được thi hành. Hệ thống công chức mà tồi thì các đề xuất chính sách của các chính trị gia cho dù ưu việt thì luật soạn ra cũng sẽ rất tồi và khi thi hành thì càng tệ hơn. Một hệ thống công chức tham ô và vô trách nhiệm thì cho dù các chính trị gia có hô hào trong sạch và đe doạ với những án phạt nặng nề cũng khó mà bảo đảm hệ thống hoạt động hiệu quả. Sự kiểm soát và răn đe với những án phạt của luật pháp chỉ là biện pháp cuối cùng.

Vậy Singapore làm thế nào để thay đổi hệ thống công chức của mình?

Trước hết, họ trả lương rất cao cho những công chức và chỉ tuyển những sinh viên thuộc nhóm những người tốt nghiệp thuộc hạng giỏi ở các trường đại học lớn làm công chức của mình, và tuyển một cách công khai. Với sự tuyển chọn như vậy, công chức luôn tự hào về công việc của mình, tự hào về thành tích của mình, và sự tự tôn trọng bản thân như vậy phần nào giúp họ chú tâm tới vị trí và công việc của mình hơn. Việc trả lương cao khiến họ bớt đi tư tưởng tìm cách kiếm chác. Cộng vào đó là việc phạt rất nặng hành vi tham nhũng. Điều đó khiến cho công chức không còn có động lực muốn tham nhũng.

Thứ hai, Singapore đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính trong học đường. Thay vì tạo ra một hệ thống giáo dục mới, chính phủ áp dụng mô hình phổ thông kiểu Anh và sử dụng mô hình quản lý đại học kiểu Mỹ. Họ học tập cả hệ thống tổ chức sinh viên. Nếu như ở Mỹ, các tổ chức hội đoàn nhiều vô số thì ở Singapore cũng vậy. Các trường đại học của Singapore có đủ các tổ chức hội đoàn từ thể thao đến âm nhạc và trường đại học khuyến khích sinh viên tham gia. Nếu như ở Mỹ, các trường đại học luôn đi kèm với các cơ sở thể thao rộng lớn và hiện đại thì ở Singapore cũng vậy. Các sinh viên ở Mỹ được trường đại học khuyến khích đi đến các nước khác để trao đổi, học hỏi văn hoá thế giới thì ở Singapore, việc khuyến khích đi ra nước ngoài để hiểu về văn hoá thế giới đã được khuyến khích từ các cấp học phổ thông. Các học sinh, sinh viên luôn được cha mẹ, các thầy cô và chính phủ khuyến khích đi thăm viếng các nước khác. Nhờ đi ra ngoài như vậy mà sinh viên cảm thấy tự tin với chính mình hơn, hiểu biết hơn về thế giới bên ngoài, biết được cái hay, cái dở để mà học hỏi và áp dụng. Những sinh viên khi vào đại học thường tự tin khoe mình đã đi được bao nhiêu nước rồi, kể những trải nghiệm mình đã đi qua, và chuyện mỗi sinh viên đã đi thăm 5, 6 nước là bình thường. Họ tự tin và mạnh dạn ra nước ngoài như vậy một phần nhờ cha mẹ dư dả, muốn đầu tư cho con, giúp con hiểu biết và trưởng thành, mà một phần lớn nhờ ở khả năng thông thạo tiếng Anh của họ, giúp họ dễ dàng giao tiếp với bên ngoài.

Ở đại học, chính phủ trả lương xứng đáng và rất nhiệt thành mời các nhà nghiên cứu, giáo sư và nhà quản lý nước ngoài tham gia vào các trường đại học. Các đại học lớn thường có các hiệu trưởng là những người từng có các kinh nghiệm quản lý ở các đại học hoặc tổ chức danh tiếng trên thế giới. Hiệu trưởng hiện nay của đại học Nanyang Technological University (NTU), một trong hai đại học lớn nhất của Singapore, là giáo sư Subra Suresh, người từng nắm giữ chức hiệu trưởng của đại học Carnegie Mellon University, một đại học danh giá hàng đầu, của Hoa Kỳ. Trước đó, hiệu trưởng của NTU là giáo sư Bertil Andersson, người từng nắm giữ chức hiệu trưởng trường đại học Linkoping University của Thuỵ Điển và từng là chủ tịch Uỷ ban Khoa học của Châu Âu (European Science Foundation).

Nếu như trong bóng đá, các nước mời các huấn luyện viên ngoại trên thế giới để dẫn dắt đội tuyển nước mình cạnh tranh với khu vực thì tại sao trong giáo dục, nơi đào tạo ra những con người giúp đưa đất nước cạnh tranh với các nước khác trên thế giới, lại không thể mời những người lãnh đạo giỏi nhất trên thế giới dẫn dắt các tổ chức giáo dục của mình?

Chính nhờ ở tư duy tham gia cuộc chơi toàn cầu như vậy mà đại học NTU liên tục tăng vị trí trên bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất châu Á và trên thế giới. Để làm được điều này, NTU chỉ mất chưa tới 40 năm (1).

Những sinh viên ưu tú, được đào tạo bài bản trong các trường đại học tốt nhất của đất nước và thuộc những trường tốt nhất của thế giới, đã ra nước ngoài nhiều lần để học hỏi thế giới bên ngoài, được tuyển chọn gắt gao để trở thành những công chức chính phủ, thì bản thân những công chức đó đã có sẵn những nền tảng của sự hiểu biết.

Sự hiểu biết của giới công chức sẽ giúp các chính trị gia hoạch định ra các chính sách tốt và đến lượt nó, sự hiểu biết cũng giúp thi hành các chính sách một cách trơn tru, trôi chảy.

Sự hiểu biết của giới công chức, đặc biệt về công nghệ, do đó là một nền tảng quan trọng giúp Singapore thi hành chính phủ điện tử và luôn đứng trong đội ngũ những nước đi đầu áp dụng công nghệ mới trong quản lý quốc gia. Nhờ sự áp dụng chính phủ điện tử mà nạn tham nhũng ngày càng ít hơn và sự hiệu quả của nền kinh tế tăng lên.

Người dân chỉ có thể đút lót khi họ biết quan chức nào đang xử lý hồ sơ của mình, và ngược lại, quan chức cũng chỉ có thể vòi tiền dân khi họ tiếp xúc được với dân. Một khi các quy trình đã được chuẩn hoá, đưa lên mạng Internet một cách công khai, minh bạch, và sự tiếp xúc thật giữa người dân và công chức không còn nữa thì công chức khó có cơ hội để tham nhũng. Sự minh bạch thông tin không những giúp người dân hiểu hơn về luật pháp và các quy trình, mà nó còn là một kênh để đối chiếu với việc thực thi luật pháp của giới công chức, chống lại những vòi vĩnh vô lý.

Một hệ thống công chức trong đó nhân viên có hiểu biết, tự hào với công việc của mình, nhận mức lương dư dả, không muốn và không thể tham nhũng, tự nó là một hệ thống những con người ưu việt, đóng góp vào sự phát triển của một quốc gia.

Nhiều người sẽ cho rằng Singapore làm được vậy bởi vì Singapore là một nước nhỏ. Nhưng câu chuyện ở đây là liệu rằng những bài học của Singapore có thể được áp dụng ở các nước lớn hơn không?

Câu trả lời là chắc chắn được.

Trong trường hợp của Việt Nam, việc cải cách phải bắt đầu cùng lúc ở cả ba lĩnh vực: cải cách giáo dục, cải cách hệ thống tuyển chọn công chức, và cả ở cải cách chính trị. Cải cách giáo dục để đào tạo ra những con người hiểu biết hơn, thông thạo tiếng Anh hơn, và tự tin với thế giới hơn. Cải cách hệ thống công chức để chọn những con người ưu tú từ các trường đại học nhằm thi hành các chính sách quốc gia. Và cải cách hệ thống chính trị để nhân dân chọn lựa ra những lãnh đạo trong các cuộc bầu cử tự do và minh bạch nhằm dẫn dắt đất nước mình tiến lên trên vũ đài thế giới. Cả ba lĩnh vực có liên hệ chặt chẽ với nhau và cần được cải cách một cách liên tục.

Nguồn: Internet