Kinh nghiệm cải cách hành chinh

Kết quả nghiên cứu về cải cách hành chính tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore
Ngày đăng 25/08/2009 | 12:00 AM  | View count: 7644

Để phục vụ việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và sự giúp đỡ của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức một đoàn cán bộ cấp cao đi nghiên cứu, khảo sát về cải cách hành chính tại ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore từ ngày 19/11 đến 03/12/2003.


I. Trung Quốc

1.1. Về cải cách hành chính nói chung
Từ khi thực hiện đường lối mở cửa (1978), Trung Quốc đã trải qua 5 giai đoạn cải cách hành chính, trong đó đáng chú ý nhất là 3 giai đoạn tiến hành từ 9 năm trở lại đây:
- Giai đoạn 1995-1998: Nhiệm vụ trọng tâm là tách dần quản lý hành chính nhà nước và quản lý doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; điều chỉnh chức năng quản lý của bộ máy hành chính nhà nước, nhất là trong quan hệ với doanh nghiệp.
- Giai đoạn 1998-2002: cải cách bộ máy hành chính nhà nước các cấp được tiến hành trên quy mô lớn, gắn đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của các cơ quan Đảng, phương thức hoạt động của các đoàn thể, cải cách các cơ quan lập pháp và tư pháp. Nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại Chính phủ, điều chỉnh lại chức năng của các cơ quan Chính phủ để phù hợp với sự chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường, bảo đảm thích ứng với quá trình hội nhập, đặc biệt là để tham gia WTO.
Trong giai đoạn này toàn Trung Quốc đã giảm 900 trên tổng số 2000 cơ cấu tổ chức ở cấp 4 cấp chính quyền; giảm 50% biên chế bộ máy hành chính.
- Giai đoạn từ cuối 2003 trở đi: Phát huy kết quả các giai đoạn trước, đưa cải cách đi vào chiều sâu để thực sự thay đổi chức năng của chính quyền theo phương châm: biến từ chính quyền vô hạn (cái gì cũng làm) sang chính quyền hữu hạn (quản lý bằng pháp luật, chỉ làm những việc thuộc chức năng đích thực là quản lý hành chính nhà nước). Đầu năm 2003, Chương trình cải cách hành chính của Quốc vụ viện đã được thông qua; các nhiệm vụ chính là:
1.1.1. Cải cách cơ chế quản lý tài sản công; lập cơ quan quản lý công sản để triệt để tách chức năng quản lý hành chính của cơ quan công quyền với quản lý của các doanh nghiệp nhà nước.
1.1.2. Đổi mới cơ chế điều tiết vĩ mô thông qua chính sách phát triển; thành lập Uỷ ban cải cách và phát triển thay cho Uỷ ban kế hoạch phát triển Quốc vụ viện; thành lập cơ quan hợp tác và giao lưu khu vực để thực hiện chức năng phối hợp phát triển.
3. Đẩy mạnh Chương trình tin học hoá, từng bước xây dựng chính phủ điện tử.
4. Xác định lại sự phân công và cơ cấu tổ chức, biên chế của từng bộ, ngành căn cứ vào chức năng mới.
5. Chuẩn bị đến hết tháng 7/2004 thông qua Luật hành chính. Tinh thần là giảm thiểu nội dung quản lý nhà nước, trên cơ sở đó tiếp tục thu gọn bộ máy quản lý hành chính.

1.2. Về cải cách cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính
Qua ba lần cải cách gần đây, tổ chức bộ máy các bộ của Trung Quốc cơ bản không có thay đổi lớn về mặt số lượng (trừ việc bỏ Uỷ ban kế hoạch phát triển Quốc vụ viện để thành lập Uỷ ban cải cách và phát triển). Hiện tại Trung Quốc có 29 bộ và Uỷ ban nhà nước. Chính quyền địa phương được tổ chức thành ba cấp hoàn chỉnh, trong đó cấp tỉnh và tương đương gồm 31 đơn vị (22 tỉnh, 4 thành phố trực thuộc Trung ương, 5 khu tự trị) và 2 khu hành chính đặc biệt. Về cơ cấu xã, trước đổi mới, xã bao gồm các đội sản xuất, hiện nay được tổ chức thành làng; trog đó lập ra Uỷ ban làng là tổ chức tự quản do dân trực tiếp bầu, nhiệm kỳ 3 năm với số lượng khoảng 3 triệu người. Khác với nông thôn, mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Trung Quốc được tổ chức thành 2 cấp hoàn chỉnh (thành phố và quận), còn cấp hành chính được tổ chức ở cả 3 cấp thành phố, quận và khu phố. Theo đánh giá của bạn, việc tổ chức làng thành đơn vị tự quản là một chủ trương đúng, rất có hiệu quả trong việc góp phần củng cố chính quyền cơ sở, giữ vững ổn định. Tương tự như vậy, đối với các đô thị là mô hình Tổ dân phố (gần 80.000 đơn vị).
Một mục tiêu cải cách cơ cấu trong thời gian qua là giảm thiểu các doanh nghiệp nhà nước, đi đôi với việc bỏ cơ chế chính quyền trực tiếp quản lý doanh nghiệp; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp. Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc chỉ còn 189 doanh nghiệp nhà nước do Trung ương trực tiếp quản lý (trong tổng số 300.000 doanh nghiệp quốc hữu); về cơ bản không còn doanh nghiệp thuộc bộ. Để giúp Chính phủ quản lý doanh nghiệp nhà nước, Trung Quốc đã thành lập Uỷ ban quản lý tài sản quốc hữu ở cấp trung ương và đang triển khai ở cấp địa phương.
Phương châm đổi mới chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ được xác định là ";quản lý vĩ mô, giám sát thị trường, quản lý xã hội và phục vụ công cộng (dịch vụ công)"; (macro-management, market oversight, social management and public services). Theo đó, 7 lĩnh vực Chính phủ trung ương tập trung quản lý là quốc phòng, ngoại giao, chính sách tài chính, ngân hàng, điện lực, thông tin, đường sắt. Các lĩnh vực còn lại thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương.

1.3. Về cải cách công vụ và công chức
Điều lệ tạm thời quản lý công chức của Trung Quốc được Quốc vụ viện ban hành năm 1993 (khái niệm công chức ở Trung Quốc chỉ bao gồm những người hoạt động trong bộ máy hành chính của chính quyền các cấp). Đang tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm sau 10 năm áp dụng Điều lệ này để xây dựng Luật Công chức, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2004.

Các cải cách chủ yếu đã và đang tiến hành gồm:
- Áp dụng rộng rãi hình thức thi tuyển công chức. Cho đến nay, 97% công chức được tuyển dụng vào bộ máy hành chính qua thi tuyển. Các nguyên tắc được áp dụng trong thi tuyển là công khai, bình đẳng, cạnh tranh và tự do, được nhân dân và bản thân công chức đồng tình. Biện pháp hiệu quả nhất là đưa yếu tố ";cạnh tranh"; vào việc lựa chọn cán bộ quản lý. Khi cần bổ sung một chức danh quản lý nào đó thì thực hiện việc đề cử công khai và tổ chức thi tuyển. Theo đánh giá của các cơ quan bạn, đây là biện pháp áp dụng yếu tố thị trường để cải cách cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức. Đối với viên chức chuyên môn (giáo viên, bác sĩ, kỹ sư…) bỏ chế độ tuyển dụng theo nguyên tắc chỉ định, thay bằng đánh giá, nhận xét tiêu chuẩn, tư cách, còn các đơn vị sử dụng tự quyết định việc tuyển dụng thông qua chế độ hợp đồng. Phân loại cán bộ công chức để từng bước loại bớt người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy được coi là biện pháp tinh giản biên chế có hiệu quả. Việc phân loại, đánh giá được tiến hành hàng năm và phân ra 3 loại: xuất sắc, hoàn thành công việc và không hoàn thành công việc. Công chức bị xếp vào loại thứ 3 đương nhiên bị cho thôi việc.
- Thay chế độ tuyển dụng suốt đời bằng chế độ hợp đồng có thời hạn
- Đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng để khai thác phát triển nguồn nhân lực cho bộ máy hành chính
Nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng được phân thành 3 loại:
+ Đào tạo để nhận nhiệm vụ, áp dụng cho những đối tượng chuẩn bị đi làm ở cơ quan nhà nước
+ Đào tạo cho những người đang công tác trong cơ quan nhà nước, chuẩn bị được đề bạt vào vị trí quản lý.
+ Bồi dưỡng các chức danh chuyên môn
Hiện nay 17 trường Đại học ở Trung Quốc có chức năng đào tạo, bồi dưỡng công chức cho Chính phủ.
Học viện hành chính trung ương Bắc Kinh được thành lập năm 1994 là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Quốc vụ viện, do 1 Uỷ viên Quốc vụ viện đứng đầu, có biên chế trên 300 người. Chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ đương chức ở cấp bộ, cấp tỉnh, thành phố theo chức danh cụ thể, không đào tạo đại học. Bình quân mỗi năm đào tạo cho khoảng 2-3 ngàn người. Cấp tỉnh cũng có học viện. Đối tượng đào tạo là cán bộ trẻ, mới được tuyển dụng (thời gian dài nhất 2 năm) và cán bộ quản lý từ cấp sở đến Phó tỉnh trưởng (thông thường là bồi dưỡng chuyên đề, thời gian chừng 20 ngày/năm). Hàng năm, kinh phí do Chính phủ cấp cho các học viện khoảng 60%, số còn lại các học viện tự thu xếp từ các nguồn khác. Chương trình và nội dung đào tạo có sự thống nhất giữa các Bộ Nhân sự và Ban Tổ chức Trung ương.
- Tinh giản biên chế. Biện pháp quan trọng nhất là sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp; chuyển một bộ phận lớn các đơn vị sự nghiệp công thành doanh nghiệp để xoá bỏ chế độ bao cấp. Ví dụ ở Thượng Hải, trong một thời gian ngắn đã chuyển 144 đơn vị sự nghiệp thành 354 doanh nghiệp độc lập, giảm được 15% biên chế. Hiện tại thành phố chỉ trợ cấp cho các bệnh viện chừng 3-4% kinh phí, còn lại là tự trang trải. Đối với các trường đại học, khoảng 40% kinh phí do Nhà nước cấp, còn lại 60% trường tự trang trải. Nhà nước có chế độ ưu đãi đối với người về hưu sớm, chủ yếu thông qua chế độ bảo hiểm và đãi ngộ về thu nhập.
Tổng số công chức của Trung Quốc hiện nay khoảng 5 triệu người (61% tốt nghiệp đại học trở lên).

1.4. Về chương trình tin học hoá và xây dựng chính phủ điện tử
Cho đến nay các bộ đều đã xây dựng được mạng nội bộ. Giao dịch bằng điện tử đã được thực hiện giữa các bộ với các tỉnh, khu tự trị trực thuộc Trung ương. Các bộ, các tỉnh và khu tự trị cũng xây dựng được trang Web riêng. Ở một số thành phố lớn, người dân đã có thể truy cập được thông tin của Chính phủ trên mạng Internet (khoảng dưới 100 triệu dân). Ở một số khu vực kinh tế phát triển và đô thị thì những dịch vụ hành chính công chủ yếu như đăng ký thuế, hải quan… đã thực hiện thông qua mạng điện tử. Thành phố Bắc Kinh đã thiết lập mạng nội bộ mang tên ";Cửa sổ thành phố";.

1.5. Uỷ ban cải cách cơ cấu Trung Quốc
Uỷ ban cải cách cơ cấu trung ương là cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện, chịu trách nhiệm chung về chương trình cải cách hành chính ở Trung Quốc. Chủ nhiệm Uỷ ban là Thủ tướng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban là Phó Chủ tịch nước. Các thành viên khác gồm: Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc vụ viện, Bộ trưởng Bộ Nhân sự và một số Bộ trưởng khác.
Tất cả các nội dung và quá trình cải cách đều đặt dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban này. Uỷ ban có thẩm quyền quyết định, do vậy, trong văn bản liên quan đến nội dung cải cách của Chính phủ bao giờ cũng ghi căn cứ vào quyết định của Quốc vụ viện và ý kiến của Uỷ ban cải cách.
Uỷ ban có một Văn phòng giúp việc với biên chế 52 người và có một số cán bộ hợp đồng, tổng số không quá 100. Đa số những vấn đề lớn về cải cách cơ cấu tổ chức nhà nước đều do Văn phòng này chuẩn bị. Trên thực tế, phần lớn các vấn đề đều được Uỷ ban xem xét, quyết định trên cơ sở tờ trình của Văn phòng, không cần hội nghị. Có nhiều việc các bộ không sẵn sàng làm (như việc giảm 50% biên chế, điều chỉnh tổ chức bên trong của các bộ…) thì Uỷ ban này do Thủ tướng đứng đầu quyết định luôn, cán bộ phải chấp hành.
Hàng năm các cơ quan của Chính phủ phải tự đề ra chương trình cải cách, Văn phòng giúp việc xem xét để quyết định.



II. Hàn Quốc

Từ giữa những năm 90, nhằm nhanh chóng vượt qua những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế -tài chính, Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt đề cao nhiệm vụ cải cách. Cuộc cải cách bộ máy nhà nước được đẩy mạnh hơn từ khi Tổng thống Roh Moo-Hyun lên nắm quyền và những biện pháp mạnh mẽ được áp dụng từ đầu năm 2003 trở lại đây. Mục tiêu đề ra là xây dựng Chính phủ có hiệu quả, cởi mở, gần dân, được dân tin cậy, minh bạch, hoạt động linh hoạt, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao và loại trừ tham nhũng.
Những nội dung và kết quả cải cách chủ yếu đã đạt được:

2.1. Về cải cách thể chế
Tư tưởng xuyên suốt được đề ra là sửa đổi các qui định của nhà nước để bảo đảm sự thích ứng với sự phát triển của thị trường theo hướng chuyển từ quản lý chặt sang định hướng mở. Thay đổi cơ bản mối quan hệ Nhà nước - thị trường - xã hội. Bốn lĩnh vực được ưu tiên sửa đổi về thể chế là: quản lý hành chính, nhân sự, quản lý tài chính; quản lý doanh nghiệp công và quản lý lao động.
Năm 1997, Luật cơ bản về pháp quy hành chính (The Basic Act on Administrative Regulation) đã được ban hành. Đạo luật này định rõ nguyên tắc cải cách thể chế, xác định nội dung đổi mới quy trình ban hành, sửa đổi bổ sung và công khai hoá các qui định của Nhà nước, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước và giảm chi phí cho dân. Dựa trên Luật này, Chính phủ đã thành lập Uỷ ban cải cách lập quy để thực hiện việc giám sát, phối hợp, rà soát các qui định theo chỉ thị của Tổng thống.
Cơ cấu của Uỷ ban gồm 20 uỷ viên do Thủ tướng đứng đầu, 7 thành viên thuộc Chính phủ gồm các Bộ trưởng Tài chính, Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, Nội vụ, Tư pháp. Có 13 thành viên không nằm trong Chính phủ (giáo sư đại học, chủ doanh nghiệp, đại diện giới báo chí, đại diện người tiêu dùng…), Uỷ ban naỳ được sự hỗ trợ cao của Tổng thống.
Nhiệm vụ của Uỷ ban là:
- Đưa ra các chủ trương về cải cách thể chế
- Xem xét các qui định mới ban hành để quyết định sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết;
- Thu thập thông tin, trả lời các câu hỏi có liên quan của công chúng và công khai hoá các qui định được han hành;
- Theo dõi, đánh giá và đưa ra sáng kiến về cải cách quy chế lập quy.
Uỷ ban họp thường kỳ 2 tuần 1 lần. Các quyết định của Uỷ ban có hiệu lực cao và do Tổng thống phê chuẩn.
Mục tiêu của Chính phủ là đến hết năm 2003 phải giảm 50% thủ tục hành chính hiện hành, trong đó 10 lĩnh vực được ưu tiên là: đầu tư nước ngoài, tài chính, thuế, thành lập khu công nghiệp, hải quan, đất đai, nhà cửa, an toàn thực phẩm, thể thao, du lịch.



2.2. Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính
Tổng thống Hàn Quốc là người đứng đầu nhà nước, đồng thời đứng đầu ngành hành pháp. Thủ tướng là nhân vật số hai, điều phối và kiểm soát chính sách của các bộ.
Qua nhiều lần sắp xếp, hiện tại Chính phủ Hàn Quốc gồm 18 bộ và 16 cơ quan trực thuộc (như cơ quan quản lý công sản, thuế vụ, cảnh sát…). Cơ cấu lãnh đạo chung của một bộ gồm Bộ trưởng và một Thứ trưởng (đều là nhân vật chính trị) và có một Trợ lý Bộ trưởng.
Chính quyền địa phương gồm 9 tỉnh, 6 thành phố trực thuộc 234 đơn vị cấp cơ sở.
Phân cấp là vấn đề mấu chốt nhất trong tư tưởng cải cách tổ chức bộ máy hành chính ở Hàn Quốc. Sau khi có Luật tự chủ của chính quyền địa phương (6/1988), cơ cấu chính quyền địa phương được tổ chức lại phân thành 2 loại: chính quyền địa phương cấp I (Sơun) và chính quyền địa phương cấp 2. Đến 3/1994 Luật này được sửa đổi, trong đó có việc thay chế độ bổ nhiệm tỉnh trưởng, thị trưởng bằng chế độ dân bầu trực tiếp; Phó thị trưởng do cấp trên cử xuống.

2.3. Về cải cách công vụ và công chức
Việc cải cách chế độ công vụ và công chức được đẩy mạnh từ năm 1998 trở lại đây, với những biện pháp sau đây:
- Đổi mới cơ chế tuyển dụng công chức, đưa yếu tố cạnh tranh vào chế độ tuyển dụng theo nguyên tắc công bằng, minh bạch và công khai; tăng cường quyền tự hcủ của các bộ, các cơ quan trong việc trực tiếp sử dụng công chức.
- Ban hành cơ chế đánh giá công chức đi đôi với điều chỉnh hợp lý hoá chế độ tiền lương
- Tập trung chức năng quản lý công chức vào một cơ quan (Bộ Hành chính và Nội vụ).
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng công chức, đa dạng hoá các loại hình và cách thức đào tạo. Chẳng hạn Viện đào tạo công chức hành chính Hàn Quốc (Central Officials Training Institute) có tới 50 chương trình đào tạo khác nhau, gồm các khoá 1 năm (cho công chức mới tuyển dụng), 6 tháng, 4 tháng, 3 tháng cho từng loại chức danh chuyên môn; đặc biệt có một chương trình bồi dưỡng dành cho những công chức chuẩn bị về hưu.
Hiện tại số lượng công chức ở Hàn Quốc khá thấp (576.000 người; bình quân 27 công chức/1.000 dân, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 75,4, Pháp là 82,2). Nhờ sắp xếp lại khối sự nghiệp, từ 1997 đến nay Hàn Quốc đã giảm được 7% tổng biên chế.

2.4. Về chính phủ điện tử
Hàn Quốc đã xây dựng được mạng lưới hạ tầng thông tin thuộc loại tốt nhất trên thế giới, đã hoàn tất việc kết nối mạng trung ương-địa phương, thiết lập xong hệ thống xử lý công việc hành chính trong nội bộ các cơ quan hành chính thông qua mạng điện tử. Hiện đang hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công thông qua Internet, kể cả việc cung cấp dịch vụ hành chính thông qua điện thoại di động.
Tại thành phố Sơun, từ giữa năm 1999 bắt đầu thực hiện công khai hoá việc xử lý các vấn đề của dân, của doanh nghiệp trên mạng. Công chức có thể trả lời công khai các ý kiến và kiến nghị của dân trên mạng Internet. Đề án mang tên ";Hệ thống mở"; (Open System) đã được hoàn tất và đưa vào vận hành. Mọi công dân có thể thông qua mạng theo dõi tiến độ và kết quả cơ quan hành chính giải quyết những yêu cầu hay công việc của mình. Từ năm 2004 trở đi, sẽ triển khai ở những thành phố khác. Về mô hình này, năm 2002 Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã cử một đoàn sang nghiên cứu và phía bạn cũng đã cử chuyên gia sang giúp đỡ.
Thông qua công khai hoá quá trình xử lý công việc trên mạng đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, vì người dân có thể nộp đơn qua mạng 24 giờ/ngày, đồng thời làm cho người dân quan tâm hơn đến hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tham nhũng. Người công chức không thể để chậm trễ công việc, và đặc biệt là khắc phục cơ bản tình trạng tham nhũng, sách nhiễu của cán bộ công chức. Bằng cách làm đó, tính minh bạch trong việc giải quyết công việc của dân tăng trên 80%. Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá rất cao hệ thống này của Hàn Quốc. Hội nghị lần thứ 9 các nước OECD về chống tham nhũng (tháng 3/2003) đã coi đây là một chương trình chuẩn chống tham nhũng áp dụng cho các nước thành viên Liên hợp quốc.

2.5. Về quản lý các quá trình cải cách
Để quản lý và kiểm soát quá trình cải cách, bảo đảm các mục tiêu cải cách được thực hiện có kết quả, tháng 4/2003 một cơ quan mang tên ";Uỷ ban của Tổng thống về đổi mới chính quyền và phân cấp"; đã được thành lập. Chức năng chính của Uỷ ban là tham vấn cho Tổng thống về các vấn đề có liên quan đến đổi mới chính phủ và phân cấp.
Tổ chức của Uỷ ban gồm Ban chỉ đạo, 5 Tiểu ban điều hành, các tổ công tác cố vấn và Văn phòng kế hoạch và quản lý.
- Ban chỉ đạo gồm Thủ tướng và một số Bộ trưởng như Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng kế hoạch ngân sách…
- Các Tiểu ban điều hành: gồm các thứ trưởng, các nhà chuyên môn có kinh nghiệm, các nhà khoa học trên các lĩnh vực, gồm Tiểu ban cải cách hành chính, Tiểu ban cải cách nhân lực, Tiểu ban phân cấp, Tiểu ban cải cách thuế, Tiểu ban về chính phủ điện tử.
Trong các Tiểu ban có các nhóm công tác bao gồm các công chức kiêm nhiệm và Ban cố vấn.
Văn phòng Uỷ ban gồm 20 người. Ngân sách hoạt động dành cho uỷ ban mỗi năm là 2 tỷ won (tương đương 2 triệu USD).
Phần lớn các sáng kiến cải cách đều được thảo luận ở các Tiểu ban, đệ trình lên Uỷ ban để xem xét, trình Tổng thống quyết định.




III. Singapore

3.1. Chiến lược cải cách công vụ
Vấn đề cải cách hành chính ở Singapore được đặt ra khá sớm. Từ đầu những năm 70 Chính phủ đã khuyến khích công chức nêu sáng kiến cải cách hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Giữa những năm 80 đề ra phong trào ";hướng tới sự thay đổi"; mà trọng tâm là kiến nghị các giải pháp về đổi mới cơ chế quản lý để thích ứng với sự thay đổi. Năm 1991 Chính phủ đề ra chương trình cải cách công vụ mang tên ";Nền công vụ thế kỷ 21";.
Mục tiêu của chương trình là xây dựng nền công vụ có hiệu quả, hiệu lực, công chức nêu cao tinh thần liêm chính, tận tuỵ và có chất lượng dịch vụ cao. Nội dung chương trình gồm 2 bộ phận: a) Nâng cao chất lượng công vụ gắn với hợp lý hoá tổ chức bộ máy và b) Xây dựng và phát triển chính phủ điện tử.
Những kết quả đánh chú ý:

3.2. Về cải cách công vụ
Với khẩu hiệu ";Kịp thời cho tương lai";, ba vấn đề mang tính chiến lược đòi hỏi phải được thấu suốt về mặt nhận thức là:
- Coi sự thay đổi là cơ hội, chứ không thuần tuý chỉ là thách thức;
- Chấp nhận và chủ động chuẩn bị phương án, giải pháp phù hợp để thích ứng với sự thay đổi;
- Thực hiện sự thay đổi thông qua hành động nhanh chóng, kịp thời.
Trên tinh thần đó, nội dung ưu tiên được xác định gồm: đầu tư cho việc đào tạo đội ngũ công chức; đổi mới tổ chức gắn với tạo cơ chế quản lý phù hợp; nâng cao chất lượng dịch vụ công để làm hài lòng khách hàng (dân).
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Chính phủ Singapore đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó đáng chú ý là:
Thứ nhất: áp dụng bộ quy chuẩn ISO 9000 trong bộ máy hành chính, coi đó vừa là công cụ cải tiến lề lối làm việc, vừa là công cụ đánh giá hiệu quả, phân loại công chức.
Thứ hai, khuyến khích phát huy sự sáng tạo, đưa tinh thần ";doanh nghiệp"; vào hoạt động của bộ máy hành chính mà cốt lõi là lấy hiệu quả làm thước đo; cải cách triệt để các thủ tục hành chính theo hướng chuyển từ bắt buộc, can thiệp sang khuyến khích, hỗ trợ. Chính phủ Singapore đã thành lập Uỷ ban hỗ trợ doanh nghiệp với chức năng chủ yếu là thu thập ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động, đồng thời lập ra một nhóm công tác gồm khoảng 100 cán bộ, có trình độ cao đủ sức tìm hiểu, đánh giá và giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp. Bằng cách làm này, chỉ trong một thời gian ngắn, trên 50% trong tổng số 1.104 đề nghị của các doanh nghiệp đã được tiếp nhận và xử lý.
Thứ ba, đề ra chương trình xoá bỏ cách làm việc quan liêu, nhiều tầng nấc của bộ máy hành chính mang tên ";Zero-In-Process";. Mục tiêu đề ra là việc gì cũng phải có cơ quan chịu trách nhiệm, các sáng kiến và đề xuất của dân liên quan đến hoạt động của các cơ quan hành chính, của công chức phải được xem xét xử lý nhanh. Theo thống kê của bạn, 20% trong tổng số 210 đề xuất xoá bỏ quan liêu của bộ máy hành chính được chấp nhận; 21 trường hợp trùng lắp chức năng giữa các cơ quan đã được loại bỏ.
Thứ tư, thường xuyên rà soát để loại bỏ những qui định lỗi thời không còn phù hợp. Để làm việc này, một Ban rà soát văn bản đã được thành lập với thành phần là 5 Tổng thư ký của các bộ; cứ 5 năm tiến hành tổng rà soát một lần.

3.3. Về đổi mới công tác đào tạo công chức
Chính phủ Singapore đặc biệt chú trọng đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, coi đó là giải pháp cơ bản nhất để xây dựng nền công vụ có hiệu quả.
Theo qui định, mỗi cán bộ công chức bắt buộc phải được bồi dưỡng 100 giờ/năm; Mỗi công chức phải tự đề ra chương trình học tập cho mình, trong đó có việc sử dụng 100 giờ học theo qui định, tối thiểu phải bảo đảm 60% thời lượng phục vụ công việc trong cương vị hiện tại, 40% cho công việc tương lai. Để khuyến khích việc tự đào tạo, Chính phủ qui định hỗ trợ 50% chi phí cho người tự học để phục vụ cho công việc đang đảm trách.
Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng công chức được áp dụng là: đào tạo ban đầu (cơ bản), đào tạo nâng cao, đào tạo mở rộng và đào tạo bổ sung.
Trường Công vụ Singapore thành lập năm 1971. Từ năm 2001 là đơn vị tự chủ của Ban Công vụ trực thuộc Văn phòng Thủ tướng nhưng không có tài trợ từ phía Chính phủ. Các bộ tự quyết định việc chọn nơi đào tạo công chức, không nhất thiết phải gửi vào trường công vụ.

3.4. Về việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử
Chương trình chính phủ điện tử ở Singapore được phát động rất sớm (1983), bắt đầu từ chủ trương điện toán hoá hoạt động công vụ. Chính phủ đề ra chương trình phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của Chính phủ, thành lập Hội đồng quốc gia về tin học hoá (sau này sáp nhập với Cơ quan quản lý truyền thông thành Cơ quan phát triển thông tin của Chính phủ).
từ những năm 90, do nhận thấy áp dụng công nghệ thông tin không chỉ là công cụ thúc đẩy hoạt động của Chính phủ mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho dân, năm 2000 Chính phủ đã ban hành chưong trình hành động với nhiệm vụ chủ yếu là: phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho công nghệ thông tin, đào tạo tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức về khả năng áp dụng công nghệ công mới và cung cấp dịch vụ công thông qua Internet. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã thông qua một loạt các dự án lớn để thực hiện chương trình này như đề án hỗ trợ doanh nghiệp, đề án cung cấp dịch vụ công thông qua mạng điện tử, đề án đào tạo…
Theo đánh giá của bạn, cho đến nay, các mục tiêu đề ra cơ bản đã đạt được. Hầu hết thông tin về hoạt động của Chính phủ đã được cung cấp trên mạng. Hàng tháng số lượng giao dịch của dân với chính quyền được thực hiện qua mạng đạt khoảng 14,4 triệu lượt (trong khi dân số là khoảng 4 triệu). Khoảng 1.600 loại dịch vụ công trong xã hội được tiến hành qua mạng.
Chương trình hành động thứ 2 được đề ra cho giai đoạn 2003-2006 với 3 nhiệm vụ trọng tâm là:
- Kết nối và phối hợp các mạng để bảo đảm việc cung cấp thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch;
- Nâng cao chất lượng các dịch vụ được cung cấp trên mạng;
- Mỗi công dân được trực tiếp giao dịch với cơ quan Chính phủ thông qua mạng.
Chính phủ Singapore chủ trương sớm hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ theo mô hình ";chính phủ di động";. Với số dân khoảng 4 triệu người, nhưng trên 3 triệu người sử dụng điện thoại di động, vì vậy, bằng công nghệ thông tin, cơ quan nhà nước và công chức có thể giải quyết công việc của dân qua điện thoại di động trong mọi thời điểm.
Ngân sách dành cho phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2001-2003 là 1,5 tỷ đôla Singapore; giai đoạn 2003-2006 là 1,3 tỷ.
Đến nay Singapore đứng ở nhóm những nước dẫn đầu về tốc độ phát triển chính phủ điện tử và đang bước sang giai đoạn ";phát triển công dân điện tử";, trong nhóm đó 3 bài học kinh nghiệm được rút ra là: a) Có chiến lược quốc gia tốt làm cơ sở xác định lộ trình cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực trong từng giai đoạn; b) Có cơ quan chuyên môn mạnh giúp chính phủ quản lý quá trình phát triển và c) Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.

Một số nhận xét
Quá trình tìm hiểu và kết quả cải cách hành chính ở 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, có một số nhận xét khái quát như sau:

1. Tuy trình độ phát triển và đặc điểm lịch sử kinh tế - xã hội của các nước khác nhau nhưng cải cách hành chính đang là mối quan tâm lớn của chính phủ mỗi nước.
Cách nhìn về cơ hội và thách thức cải cách của các nước khá giống nhau:
- Cải cách hành chính là để thích ứng với tình hình mới về phát triển khi đất nước và Chính phủ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề mới về kinh tế xã hội trong cuộc cạnh tranh quốc tế.
- Nhanh chóng khắc phục sự bất cập của bộ máy hành chính, xoá bỏ tình trạng quan liêu, tham nhũng của công chức nhà nước.
2. Có sự tương đồng về nội dung cải cách. Cụ thể, 3 lĩnh vực cải cách được ưu tiên là a) cải cách thể chế (bao gồm cả thủ tục hành chính), b) điều chỉnh chức năng và cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính và c) nâng cao chất lượng dịch vụ công. Trên tất cả các lĩnh vực này, mọi nỗ lực cải cách đều hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; cải cách cơ cấu tổ chức gắn với điều chỉnh chức năng của bộ máy hành chính, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp và cấm đoán, thay bằng sự khuyến khích và hỗ trợ.

3. Phân quyền cho địa phương và mở rộng sự tham gia của dân vào việc cung cấp dịch vụ công thông qua qua việc đẩy mạnh xã hội hoá là những giải pháp quan trọng, có hiệu quả được Chính phủ các nước chú trọng áp dụng.
4. Bồi dưỡng nâng cao hất lượng đội ngũ công chức được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước. Chính phủ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đều đặc biệt quan tâm đầu tư về mặt tài chính, coi đó là nguồn kinh phí ưu tiên cho phát triển. Kết hợp đào tạo dài hạn với bồi dưỡng ngắn hạn theo chức danh, vị trí công tác; kết hợp học tập trung tại trường với đào tạo bồi dưỡng tại chức.
5. Cùng với việc thực thi các biện pháp hạn chế tình trạng quan liêu, Chính phủ các nước rất quan tâm đến chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy. Theo kinh nghiệm của 3 nước thì các giải pháp có hiệu quả là: chế độ trách nhiệm thật rõ và được quy chế hoá; tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính; loại bỏ các quy trình, thủ tục phiền hà, gây ra sự sách nhiễu dân. Việc sử dụng công nghệ thông tin ở trình độ cao để giải quyết các công việc của dân và doanh nghiệp như cách làm của chính quyền Hàn Quốc là kinh nghiệm đáng chú ý và có thể áp dụng.
6. Hiện đại hoá Chính phủ là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chương trình cải cách của cả 3 nước. Giải pháp chính là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính. Áp dụng tiêu chuẩn ISO 9000 (đặc biệt Singapore) vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước và ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc của Chính phủ. Thách thức lớn nhất để xây dựng chính phủ điện tử là đào tạo con người, sau đó mới là đầu tư xây dựng cơ sở kỹ thuật.
7. Mặc dù nội dung và quy mô cải cách khác nhau, nhưng trong quá trình cải cách cả ba nước đều gặp những khó khăn, vương mắc khá giống nhau. Ví dụ, làm thế nào để tạo ra sự đồng thuận trong nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức về nội dung cải cách, về điều chỉnh chức năng, giảm bớt sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào hoạt động của dân và doanh nghiệp, khó khăn trong việc tinh giản biên chế, sửa đổi cơ cấu bên trong các bộ, chống tham nhũng, thay đổi cơ cấu và nâng cao trình độ công chức, vấn đề sở hữu và đại diện quyền sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước đang sắp xếp lại.
8. Điều đặc biệt cấn nhấn mạnh là cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đều rất chú trọng khâu quản lý, tổ chức triển khai và kiểm soát quá trình cải cách, trong đó 2 khâu quan trọng: a) tạo ra sự đồng tình, ủng hộ cao về mục tiêu và phương hướng cải cách và b) có sự chỉ đạo tập trung, sát sao của Chính phủ, Tổng thống, Thủ tướng thông qua việc một số cơ quan chỉ đạo mạnh có thẩm quyền quyết định.