Kinh nghiệm cải cách hành chinh
Cải cách hành chính ở Ma-lay-xi-a
Ngày đăng 25/08/2009 | 12:00 AM | View count: 5457
Cải cách hành chính của Malaysia đã được bắt đầu ngay từ đầu thập kỷ 60, chỉ một vài năm sau khi Malaysia giành được độc lập và không hề bị gián đoạn, đi từ những cải cách rất nhỏ như việc đeo thẻ ghi tên đến hệ thống quản lí chất lượng và sử dụng thư điện tử. Có được điều này là do Chính phủ dân tộc sau ngày độc lập đã luôn luôn nghiêm túc trong việc tiến hành những cải cách hành chính dưới sự lãnh đạo của các cá nhân kiệt xuất như Tun Abdul Razak và tiến sĩ Mahathir. Bài viết này sẽ giới thiệu quá trình cải cách hành chính của Malaysia qua 4 thập kỷ, từ 1960 đến nay.
THẬP NIÊN 60 Thập niên 60 bắt đầu một cách đầy triển vọng. Với nguồn vốn sẵn có trong tay, Chính phủ bắt đầu một chương trình hệ thống nhằm phát triển kinh tế-xã hội. Đầu tiên Chính phủ tập trung phát triển nông thôn nhằm nâng cao mức sống và địa vị kinh tế của người nông dân ngang bằng với mức sống dân cư thành thị. Các chương trình chủ yếu là cung cấp cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống, trường học, bệnh viện, điện nước, thuỷ lợi và các cơ sở tiếp thị nông nghiệp cũng như các dự án quy mô nhỏ của các nhà quy hoạch cấp sở. Đây là một chương trình đồ sộ đòi hỏi một cách tiếp cận mới đối với công tác quản lí. Chính phủ đã cho ban hành Hệ thống Sách đỏ nhằm nâng cao năng lực của hệ thống hành chính đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đòi hỏi phải có kết quả nhanh chóng trong quá trình phát triển nông thôn. Hệ thống này đã cố gắng huy động một cách hiệu quả nguồn lực con người và nguồn lực tổ chức nhằm mục đích tạo ra và biến những ý tưởng thành những đề án chuyển lên cấp trên để được thông qua và thực hiện. Cách tiếp cận từ dưới lên đã tạo ra mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ và người dân. Đây là một sự thay đổi cơ bản so với quy trình hành chính thông thường mà các công chức đã quyen thuộc. Phát triển và ổn định là chủ đề xuyên suốt và là lời hứa trước nhân dân khi thành lập nhà nước Malaysia. Kế hoạch Malaysia lần thứ nhất (1966-1970) được khởi động, nhấn mạnh đến khía cạnh phát triển một nước Malaysia lớn hơn. Do đó, Chính phủ buộc phải cải thiện bộ máy hành chính nhằm thực hiện các chương trình mở rộng và các chức năng được bổ sung kể từ ngày độc lập chứ không chỉ giới hạn trong trong lĩnh vực luật pháp và giữ gìn trật tự. Bản báo cáo Montgomery-Esman đã kiến nghị thành lập Đơn vị Hành chính Phát triển (DAU) trong Văn phòng Thủ tướng với những điều khoản tham chiếu riêng. Những điều khoản này nhằm mang lại những cải cách bằng việc đưa ra những chương trình hiện đại hoá trong bốn lĩnh vực ưu tiên: lập kế hoạch, ngân sách và hệ thống quản lí tài chính liên bang; quản lí nhân sự và hệ thống dịch vụ công cấp liên bang; cơ cấu tổ chức và phương pháp quản lí đối với các bộ và các cơ quan hoạt động; quản lí đất đai và quản lí Chính phủ cấp địa phương. Vài năm sau đó, DAU tiến hành một vài nghiên cứu và đưa ra những cải cách theo khái niệm hành chính phát triển trong khuôn khổ những điều khoản tham chiếu của nó. Một kiến nghị khác trong bản báo cáo là cải thiện chương trình giáo dục và đào tạo của Chính phủ ở tất cả các cấp trong lĩnh vực dịch vụ công. Một trong số đó là chương trình đào tạo cử nhân ngành hành chính phát triển tại Đại học Malaya dành cho các công chức trong nền công vụ Malaysia (MCS). Thứ hai là chương trình giáo dục tại chức bậc đại học dự định sẽ giành cho các công chức chuyên ngành. Thứ ba, các cơ sở đào tạo tại chức được dự kiến sẽ được mở rộng dành cho các nhân viên kỹ thuật, thư ký, các cuộc thảo luận thường kỳ giành cho quan chức cấp cao. Để thực hiện đề xuất này, Chính phủ đã thành lập Ban Phát triển nghề và Đào tạo nằm trong cục công vụ và cho tăng ngân sách đào tạo. Chính phủ thừa nhận tầm quan trong của việc đào tạo chính quy trên quy mô lớn trong lĩnh vực quản lí và hành chính công cho đa số các công chức thay vì phần lớn dựa vào việc đào tạo thông qua công việc như truyền thống thời kỳ thuộc địa. Đây là một sự chuyển biến cơ bản, rõ ràng giúp tăng cường năng lực dịch vụ công. Một sự chuyển biến quan trọng khác của Chính phủ trong thời kỳ này nhưng không liên quan đến bản báo cáo trên là việc hạn chế quyền lực của Uỷ ban Công vụ (PSC) trong việc cất nhắc thăng tiến. Trên cơ sở nhằm tăng cường hiệu quả và vì lợi ích của dịch vụ công, Hiến pháp đã được sửa đổi và thẩm quyền quyết định việc thăng tiến giờ đây nằm trong sự giám sát của Chính phủ. Tuy nhiên Uỷ ban Công vụ trở thành cơ quan chịu trách nhiệm trong trường hợp đối với các quan chức Ban I. Việc sửa đổi có thể ảnh hưởng tới tính chí công vô tư. Do đó, nhằm giảm thiểu tác động như vậy, Cục Công vụ đã thành lập nên các ban thăng tiến trong đó các bên liên quan không được đại diện hoặc chỉ có được số phiếu thiểu số. Một phương thức khác nhằm tiến hành cải cách trong lĩnh vực dịch vụ công là thông qua việc thành lập một uỷ ban về vấn đề sửa đổi tiền lương. Bản báo cáo Suffian được Chính phủ thông qua năm 1967 cũng không phải là ngoại lệ. Bên cạnh việc đề xuất tăng lương, giảm bớt bậc lương và điều chỉnh các bậc lương thống nhất hơn, bản báo cáo còn đưa ra một động lực khuyến khích mới sẽ cung cấp các khoản vay nhà đất với lãi xuất thấp cho các công chức Chính phủ. Quyết định này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ rất nhiều công chức Chính phủ cũng như các ngành có liên quan như xây dựng và nhà đất. Điều này tạo nên một cuộc cách mạng nhà đất và dẫn đến các cải cách như trong lĩnh vực quản lí đất đai và quản lí hành chính của chính quyền địa phương. THẬP NIÊN 70 Chính phủ đưa ra chính sách kinh tế mới với hai mục tiêu song song là xoá đói nghèo ở mọi chủng tộc và xoá bỏ sự phân biệt trong các hoạt động kinh tế. Chính phủ đặt ra thời hạn 20 năm để thu hẹp khoảng cách, vì vậy thập niên 70 được bắt đầu với đầy quyết tâm và hy vọng. Chính sách kinh tế mới lấy động lực từ khu vực nhà nước. Nhiều công vụ mới của Chính phủ được hình thành như Cơ quan Phát triển Thành thị (UDA), Tập đoàn Phát triển Kinh tế Nhà nước (SEDC), Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Nhà nước (SADC), các cơ quan phát triển Pahang Tengara (DARA) và các cơ quan khác cùng nhiều cơ quan địa phương. Các cơ quan khác đều được xắp xếp lại và đổi mới như Viện Công nghệ MARA (ITM), các cơ quan phát triển công nghiệp Malaysia (MIDA). Với việc thành lập các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực tư nhân. Lãnh đạo và nhân viên của hầu hết các cơ quan đều là công chức, nhiều người trong số họ chưa quen với phương thức làm việc lĩnh hoạt hơn và động cơ lợi nhuận trong lĩnh vực tư nhân. Đối với Chính phủ và các công chức, họ phải gánh vác một vai trò mới trong việc quản lí các doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu trong chính sách kinh tế mới. Bên cạch việc thành lập và quản lí các doanh nghiệp nhà nước, thập niên 70 còn chứng kiến việc thực hiện chương trình giáo dục đào tạo đồ sộ cho viên chức, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, và những người tốt nghiệp phổ thông với quy mô chưa từng có trong lịch sử nền công vụ Malaysia. Chương trình có hai mục tiêu song song là tăng cường năng lực dịch vụ công và tăng số nhân viên Bumiputras trong dịch vụ Chính phủ. Các cơ quan như Cục Công vụ, Bộ Giáo dục, Chính phủ các bang và tổ chức giáo dục, Petronas và các trường đại học đều tham gia tích cực vào chương trình phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ còn cho mở rộng Học viện Hành chính Quốc gia (INTAN) đầu thập niên 70. Học viện không chỉ mở rộng về quy mô, tăng thêm các chuyên ngành đào tạo mà tất cả các hoạt động liên quan đến đào tạo đều được rà soát lại và cập nhật về mặt nội dung khoá học, kết cấu chương trình và thời gian đào tạo. Học viện không chỉ đóng vai trò như một cơ sở đào tạo mà còn trở thành nhân tố tạo nên sự thay đổi trong lĩnh vực hành chính phát triển. INTAN bắt đầu đào tạo một số lượng lớn nhân viên qua nhiều chương trình đào tạo khác nhau từ cấp cử nhân hành chính đến các khoá học tại chức. Hệ thống dịch vụ công cũng tiếp tục được củng cố từ giữa thập niên 70 khi Tiến sỹ Mahathyir Mohamad giữ cương vị mới. Một trong những sáng kiến đầu tiên của ông là thành lập một cơ quan hành chính mới để đi đầu trong việc hiện đại hoá Chính phủ mang tên Đơn vị Hoạch định Nhân lực và Hiện đại hoá Hành chính Malaysia (MAMPU) được đặt trong Văn phòng Thủ tướng. Những cải cách đầu tiên trong việc cải thiện hành chính diễn ra trong những cơ quan có khách hàng là quần chúng nhân dân như các bệnh viện Chính phủ, các cục giao thông đường bộ, Nhập cư và Đăng ký. MAMPU đã thiết lập một hệ thống trật tự và hiệu quả hơn tại các quầy phục vụ với sự tham gia của các ban hữu quan và sự ủng hộ của các cơ quan trung ương và các bộ ngành có liên quan. Các phòng chờ được thiết kế để tăng tính thân thiện với khách hàng với nhiều chỗ ngồi đợi, các quầy được bố trí người đầy đủ với số thứ tự được phát cho mỗi khách hàng để chờ đến lượt mình được gọi đến hoặc thông báo bằng điện tử. Dần dần trong hệ thống hành chính mới này, thời gian chờ đợi phục vụ được rút ngắn. Biện pháp rộng rãi nhất được áp dụng trong lĩnh vực hành chính công là việc thành lập các cơ quan một cửa nơi các tiện ích và phiếu thanh toán được xử lí tại một nơi, thông thường là qua đường bưu điện. Do đó, từ cuối thập niên 70, toàn bộ các quầy phục vụ của các cơ quan Chính phủ đã mang tính hệ thống, nhanh chóng, lịch sự, trật tự và thuận lợi. Bên cạnh hệ thống các quầy phục vụ, cơ quan MAMPU còn đưa ra và chính quy hoá các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của nhân viên và tổ chức. Các biện pháp này bao gồm việc xây dựng các hồ sơ tại bàn làm việc, cẩm nang thủ tục làm việc, kế hoạch công tác, và các cuộc họp của ban quản lí và nhóm công tác. Những biện pháp này đi từ các vấn đề về tổ chức đơn thuần đến các vấn đề phức tạp. Lúc này, theo đề xuất của MAMPU, Chính phủ đã trao tặng giải thưởng cá nhân Xuất sắc để tạo động lực khuyến khích các nhân viên cạnh tranh vươn lên, nhờ đó tăng hiệu quả năng lực của các cá nhân tại cơ quan và nơi làm việc. Trước đó Chính phủ thường nhấn mạnh công tác kỷ luật nhưng sau này Chính phủ bắt đầu có những khen thưởng khi đó vẫn cón rất đơn giản, thường chỉ bao gồm chứng chỉ, bằng khen hoặc một tuần nghỉ phép. Tuy nhiên, việc những thành tích này được ghi trong hồ sơ công tác sẽ tạo nên một lợi thế trong việc thăng tiến. Rõ ràng, phần thưởng xuất sắc chính là động lực cá nhân mạnh mẽ nhất trong việc nâng cao năng suất lao động. Đây chính là bước khởi đầu cho các phần thưởng ghi nhận thành tích của cá nhân và đơn vị khi đưa ra những cải cách và đổi mới trong lĩnh vực dịch vụ công trong những thập niên tiếp theo. Kế hoạch lương cũng được xem xét và sửa đổi vào cuối thập niên. Bên cạnh việc nâng lương thông thường, sửa đổi quan trọng nhất là việc mở rộng kế hoạch trợ cấp sau khi người được hưởng trợ cấp tử tuất cho cả vợ hoặc chồng và con cái chưa đủ 18 tuổi hoặc chưa đủ 21 tuổi nếu học đại học. Kế hoạch trợ cấp mới đòi hỏi phải cải thiện bộ máy hành chính của Ban Trợ cấp lương hưu của Cục Công vụ. Ban này từng bị những người hưởng lương hưu chỉ trích rất nhiều vì sự chậm chễ trong việc phân phối trợ cấp lần đầu tiên cũng như những lần sau. Một cuộc rà soát cả quá trình hoạt động đã được tiến hành. Theo thủ tục sửa đổi, khi giấy báo trợ cấp được gửi đi theo quy định, người hưởng trợ cấp sẽ nhận được trợ cấp đầu tiên trong vòng 2 tháng sau khi về hưu. Thông thường người về hưu sẽ nhận được một khoản tiền trợ cấp hưu trí theo thâm niên. Khoản tiền thừa này đủ để giúp họ trang trải trong hai tháng chờ đợi. Mặt khác, hệ thống chi trả cũng được cải thiện như việc chi trả qua ngân hàng thay vì giấy bảo đảm và có các thủ tục đặc biệt cho những người ốm đau. Từ đó trở đi, ít có những lời chỉ trích phàn nàn về việc nhận trợ cấp muộn cho dù số người nhận trợ cấp đã tăng lên rõ rệt kể từ khi kế hoạch trợ cấp lương hưu được mở rộng. Vào cuối thập niên Chính phủ lại quyết định thành lập một Cục Giải quyết khiếu nại (PCB) với chức năng tương tự như ban thanh tra. Cục giải quyết Khiếu nại nằm trong Văn phòng Thủ tướng với một Uỷ ban điều hành do Chánh văn phòng đứng đầu và các uỷ viên là người đứng đầu Cục Công vụ, Phòng Kiểm sát, Cảnh sát, Bộ Ngân khố và các cơ quan chống tham nhũng. Nguyên nhân của việc thành lập một uỷ ban đầy quyền lực như vậy, rõ ràng là để cho các quyết định kỷ luật quan chức và quyết định cải cách hành chính các cơ quan cũng như việc tăng cường nguồn lực mà các cuộc điều tra đòi hỏi được tiến hành một cách nhanh chóng. THẬP NIÊN 80 Thập niên 80 chứng kiến một sự thay đổi lãnh đạo ở mức cao nhất khi tiến sỹ Mahathir nhậm chức thủ tướng. Nhiệm kỳ của ông bắt đầu từ năm 1981, đánh đấu một sự thay đổi to lớn so với những người tiền nhiệm trong lĩnh vực hành chính. Dưới sự lãnh đạo của ông, một loạt các chính sách đã tạo nên một bước ngoặt trong sự phát triển chính trị và kinh tế-xã hội của Malaysia. Chính phủ của ông cũng nhấn mạnh nhu cầu thiết yếu phải có một hệ thống công vụ hoạt động nhịp nhàng và chặt chẽ với sự lãnh đạo chính trị trong mọi hoạt động của Chính phủ. Chính quyền Mahathir bắt đầu một cách đơn giản băng việc quy định tất cả các công chức Chính phủ ở mọi cấp phải đeo thẻ ghi tên và ban hành hệ thống bấm lỗ trên thẻ. Bản thân vị Thủ tướng cũng làm gương trong việc thực hiện cả hai việc, đặc biệt là bằng việc đi làm sớm và về muộn. Việc quy định phải đeo thẻ ghi tên dường như chỉ là một sự thay đổi nhỏ bé nhưng nó khiến những người đeo ý thức được rằng họ là thành viên của Chính phủ và phải hành động và cư xử theo đúng phẩm chất của một công chức. Việc bấm lỗ khi đến công sở làm việc thể hiện phong cách làm việc như một doanh nghiệp nhà nước cũng như thể hiện giá trị của thời gian và sự đúng giờ. Một loạt các biện pháp khác cũng được áp dụng tiếp sau đó như việc quản lí các cuộc họp và lãnh đạo làm tấm gương trước. Thập niên 80 đánh dấu giai đoạn công nghiệp hoá đất nước của Malaysia. Từ giai đoạn này, sự giàu có của Malaysia càng ít phụ thuộc vào ngành nông nghiệp và các sản phẩm sơ chế mà chủ yếu dựa vào khu công nghiệp và dịch vụ đang phát triển nhanh chóng. Về phần mình, Chính phủ đã đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp nặng đặc biệt là ngành sản xuất ôtô trong nước và sản xuất thép. Chính phủ cũng chi tiêu mạnh mẽ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, cảng biển, sân bay, viễn thông và đất đai công nghiệp. Nhằm thu hút các nhà đầu tư và phát triển đất nước, các đoàn công tác về thương mại và đầu tư được gửi ra nước ngaòi chào mời những ưu đãi rộng rãi. Các chuyến thăm nước ngoài cấp nhà nước của Thủ tướng đã nhấn mạnh các cơ hội đầu tư tại Malaysia và tuỳ đoàn của ông thường có các nhân vật quan trong trong các tập đoàn kinh tế. Các ngoại giao đoàn ở nước ngoài cũng chú trọng hơn đến vấn đề kinh tế. Trong khu vực kinh tế nhà nước, Bộ Thương mại và Công nghiệp và chính quyền các bang phải bình đẳng trong công tác thẩm duyệt các dự án đầu tư. Với sự giúp đỡ của MAMPU, quy chuẩn hành chính được tiêu chuẩn hoá và thu gọn đến mức tối đa. Ở cấp bang, việc thành lập các trung tâm dịch vụ một cửa và các uỷ ban kỹ thuật bao gồm các ban hữu quan dường như là lời giải đáp cho những phàn nàn phổ biến rằng các nhà đầu tư phải chạy quanh rất nhiều để đạt được sự chấp thuận của quá nhiều cơ quan có thẩm quyền. Khu vực công cũng phải điều chỉnh để thích ứng với địa vị công nghiệp hoá của đất nước cũng như với vai trò ngày càng tăng của khu vực tư nhân với tư cách như một động lực cho sự phát triển. Khu vực công cũng trở nên cồng kềnh bởi có quá nhiều doanh nghiệp nhà nước được thành lập trong thập niên trước nhằm thực hiện chính sách kinh tế mới. Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho chương trình hiện đại hoá đã ở mức cao và còn tiếp tục tăng lê. Vào đầu thập kỷ 80, do tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, Malaysia buộc phải khắc phục những khó khăn trong nước. Vì vậy, Chính phủ bắt đầu áp dụng chính sách tư nhân hoá từ năm 1983. Chính sách này là một dạng chiến lược thực hành phát triển trong đó các hoạt động trước đây dựa vào khu vực công giờ đây được chuyển sang cho khu vực tư nhân. vào thập kỷ 80, khoảng 20 dự án chủ chốt được tư nhân hoá dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó có những phương thức như: (1) bán cổ phần; (2) bán tài sản; (3) cho thuê tài sản; (4) hợp đồng quản lí; (5) Hợp đồng xây dựng – hoạt động – chuyển giao (BOT) và xây dựng sở hữu hoạt động (BOO); (6) thuê quản lí. Việc tư nhân hoá đã có những đóng góp nhất định trong việc đạt được mục tiêu giảm bớt gánh nặng hành chính và tài chính của Chính phủ đồng thời nâng cao năng xuất và hiệu quả làm việc. Kết quả là Malaysia được xem như là một mẫu hình cho nhiều nước khác. Do đó, mặc dù, có nhiều lời chỉ trích trong những năm sau này nhưng việc tư nhân hoá có thể xem là một cải cách hành chính mạnh mẽ và thành công. Ngoài việc tư nhân hoá còn có hai chính sách khác trong cùng thập niên này đã mang lại những quan điểm mới trong công tác quản lí của Malaysia. Thứ nhất là chính sách "hướng Đông" bắt đầu áp dụng vào đầu thập niên 80. Với chính sách này, người Malaysia trong khi học hỏi những cái hay từ phương Tây được khuyến khích hướng về phía Đông để học hỏi tiếp thu những đặc điểm đạo đức và văn hoá công việc, đặc biệt là từ Nhật bản và Hàn quốc. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Malaysia còn gửi người sang đào tạo tại hai nước này kể cả các quan chức cấp cao. Thứ hai là chính sách tập đoàn Malaysia được đưa ra từ cuối thập kỷ 80. Chính sách này dựa trên cơ sở cho rằng sự phát triển thành công của quốc gia đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác giữa hai khu vực kinh tế công –tư và việc kiên trì nhận thức rằng đất nước cũng tương tự như một tập đoàn hoặc một doanh nghiệp cùng sở hữu bởi hai khu vực kinh tế. Chính sách này được áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau như thông qua cac uỷ ban hiệp thương nhằm trao đổi thông tin, tăng cường hiểu biết giữa hai khu vực, hoặc thông qua các chương trình đạo tạo tại INTAN, các cơ sở đào tạo và Chính phủ các bang. Chính phủ còn tích cực hỗ trợ kinh tế tư nhân trong giao lưu thương mại quốc tế. Mối quan hệ độc đáo giữa hai khu vực này đã phát huy được hiệu quả rất tốt trong quá trình tư nhân hoá. Mối quan hệ này cũng được thử thách rất nhiều trong thời kỳ kinh tế suy thoái khi mà khu vực kinh tế nhà nước buộc phải trợ giúp những doanh nghiệp kinh tế tư nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc suy thoái. Thập niên 80 kết thúc một cách tích cực đối với khu vực công với việc điều chỉnh tăng lương. Việc điều chỉnh tăng lương lần này không có một uỷ ban nào được thành lập mà do chính Cục Công vụ tiến hành và rất toàn diện. Việc điều chỉnh chính thức mang tên Sistem Saraan Baru (SSB) gọi là Kế hoạch chi trả mới (NRS). Nguyên tắc cơ bản của kế hoạch này là những cá nhân xuất sắc được tăng nhanh mức lương. Một kế hoạch phức tạp cũng được đưa ra liên quan đến bậc thang thành tích hàng năm của các quan chức bao gồm trung bình, tốt, rất tốt và xuất sắc. Những ai đạt mức xuất sắc sẽ được tăng gấp đôi mức lương, thưởng một tháng lương và có khả năng sẽ được một sự nghiệp tốt. Họ chính là những người "bay cao". Tuy nhiên, hạn ngạch dành cho mức rất tốt và xuất sắc chỉ giới hạn ở mức 5% trong tổng số viên chức trong cơ quan, do đó đã tạo nên một sự cạnh tranh gay gắt và nhiều tranh cãi. Cuối thập niên 80, một nền tảng cho việc phát triển kinh tế đã được tạo dựng. Tốc độ phát triển thường niên đạt đến 8% trong nhiều năm qua. THẬP NIÊN 90 Thời kỳ này bắt đầu bằng việc chấm dứt chính sách kinh tế mới và thay thể bằng chính sách phát triển quốc gia. Một vài nhân tố trong chính sách kinh tế mới vẫn được giữ lại trong chính sach phát triển quốc gia vì không phải tất cả các mục tiêu ban đầu đều đã đạt được cho dù khoảng cách giàu nghèo đã được giảm bớt. Tuy nhiên điều thu hút được sự quan tâm chú ý của người dân chính là tuyên bố của Thủ tướng về tầm nhìn 2020 nhằm đưa Malaysia trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2020. Cả hai khu vực tư nhân và nhà nước đều tiến hành những cuộc hội thảo và đối thoại nhằm đạt được mục tiêu này và đưa những kết quả phát hiện và nghiên cứu của họ vào quá trình hoạch định. Với sự nỗ lực và sự phát triển kinh tế bền vững, cả hai khu vực đều lạc quan sẽ đạt được mục tiêu của tầm nhìn 2020. Thời kỳ này bắt đầu với việc Chính phủ tuyên bố ngày 31/10 là ngày Công vụ còn gọi là Ngày chất lượng (Hari Q) với mục tiêu là củng cố giá trị của nền văn hoá chất lượng trong tổ chức. Ngày chất lượng được tổ chức hàng năm với sự tham gia của ngày càng nhiều các công sở ở mọi cấp. Nhiều cuộc nói chuyện cởi mở về chất lượng cùng hoạt động khác liên quan đến năng suất hiệu quả và chất lượng công việc trong tổ chức được tiến hành. Bên cạnh việc tổ chức Ngày chất lượng, Chính phủ còn ban hành không dưới 18 Thông tư Hành chính Phát triển liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề chất lượng và năng suất bao gồm các chiến lược quản lí chất lượng, và quản lí chất lượng tổng thể. Đồng thời với ngày chất lượng, Chính phủ còn trao tặng các phần thưởng chất lượng ghi nhận thành tích của các cơ quan bao gồm: (a) giải thưởng chất lượng của Thủ tướng (dành cho khu vực công); (b) giải chất lượng của Chánh văn phòng Chính phủ (KSN); (c) giải thưởng chất lượng của Cục trưởng Cục công vụ (KPPA); (d) giải thưởng chất lượng của giám đốc MAMPU; (e) giải thưởng chất lượng của Văn phòng quận; (f) giải thưởng chất lượng của chính quyền địa phương; (g) giải thưởng quản lí nguồn nhân lực. Các giải thưởng chất lượng khác nhau của Chính phủ đã tạo nên một sự cạnh tranh giữa các cơ quan khu vực công và đã cải thiện hệ thống công vụ. Một uỷ ban kiểm tra đến thăm và thị sát các cơ quan dựa trên một tập hợp các tiêu chuẩn. Việc ngày càng có nhiều cơ quan ở nhiều cấp hành chính khác nhau cạnh tranh để đạt một số ít các giải thưởng cho thấy việc cải thiện chất lượng đã được xem trọng và là một quá trình liên lục. Năm 1991 Chính phủ bắt đầu trao tăng Giải thưởng Đổi mới Công vụ và Giải thưởng Đổi mới Công tác nghiên cứu khu vực tư nhân năm 1993. Trong nền công vụ, việc đổi mới được định nghĩa là "việc đưa ra và áp dụng các ý tưởng mới vào một tình huống hoặc hệ thống cụ thể nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và sản phẩm của một cơ quan tổ chức". Việc đổi mới phải được thực hiện thành công, mang lại những kết quả tích cực bao gồm giảm bớt chi phí tổ chức, tiết kiệm thời gian, tăng thêm sản phẩm và tăng sự thoả mãn của khách hàng. Theo số liệu của bản báo cáo được cơ quan chính phủ đệ trình lên năm 1993, có tổng cộng 21 sáng kiến đổi mới đã được thực hiện. Về giải thưởng chất lượng, việc số lượng các cơ quan cạnh tranh để đạt giải thưởng sáng kiến đổi mới ngày càng tăng từ 119 cơ quan năm 1992 tăng đến 509 năm 1993 cho thấy lợi ích thu được rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, những khía cạch tiêu cực trong hành chính công liên quan đên lĩnh vực quy hoạch và thực hiện dự án phát triển vẫn thường xảy ra trong thập kỷ này. Những chậm trễ trong việc thực hiện dự án và những thiếu sót trong việc tiêu dùng quỹ phát triển vẫn liên tiếp xảy ra vào giữa thập kỷ đã dẫn đến nhiều lời chỉ trích về vai trò và năng lực của khu vực công trong quá trình phát triển. Chính phủ tiếp tục thi hành những biện pháp hành chính và cải cách khác trong khoảng thời gian tiếp theo trong số đó có Hiến chương khách hàng, một cam kết bằng văn bản của cơ quan đối với khách hàng, được bắt đầu thực hiện vào năm 1993. Mục đích của biện pháp này là nhằm tăng cường tính thân thiện đối với khách hàng. Bản Hiến chương được dán công khai tại các trụ sở cơ quan. Một biện pháp khác có tham vọng hơn nhằm đạt được tiêu chuẩn quốc tế trong việc cung cấp dịch vụ Chính phủ, tiêu chuẩn ISO 9000. Một số cơ quan đã được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn này trong đó có Cục Công vụ. Những cơ quan khác đang phấn đấu để đạt được chứng chỉ công nhận trong thời hạn đặt ra. Thời kỳ này còn đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin. Việc hình thành siêu hành lang đa phương tiện MSC và thành phố ảo Cybercity là một bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm đưa Malaysia hoà nhập với lối sống điện tử trong tương lai của một quốc gia phát triển. Về phần mình, khu vực nhà nước cũng đang trong quá trình xây dựng một Chính phủ điện tử với việc đưa ra mạng lưới dịch vụ công, trao đổi dữ liệu điện tử và kết nối với nền công vụ. Việc sử dụng công nghệ thông tin (IT) đang rất phổ biến như máy vi tính, internet, e-mail. Điều quan trọng là Chính phủ không hạn chế hoặc ngừng các dự án MSC và Cybercity trong thời kỳ suy thoái kinh tế vào cuối thập niên 90. Thực sự thì các cơ quan Chính phủ cũng không cần đến các phần cứng công nghệ chủ chốt. Khi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á diễn ra, Chính phủ lập tức cho thành lập cơ quan quản lí khủng hoảng với quyền lực rất lớn có tên là Hội đồng Điều hành Kinh tế quốc gia do Thủ tướng đứng đầu. Tuy nhiên hội đồng này chỉ bao gồm công chức là các bộ trưởng liên quan với các bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng ngân khố và Đơn vị hoạch định Kinh tế đóng vai trò ban thư ký. Sau này, cựu Bộ trưởng Tài chính người được cho là có công đưa đất nước vượt qua cuộc suy thoái năm 1987, đã được triệu hồi và bổ nhiệm là Bộ trưởng Chức năng đặc biệt và thư ký điều hành của Hội đồng. Điều hành Hội đồng là một bộ phận nhỏ hơn gọi là Uỷ ban điều hành cũng do Thủ tướng đứng đầu. Uỷ ban điều hành tiến hành họp gần như hàng ngày vào lúc cao điểm của khủng hoảng. Tiếp sau sự thành lập Hội đồng Điều hành Kinh tế Quốc gia, Chính phủ xác định những nguyên nhân căn bản dẫn đến khủng hoảng và đưa ra phương thức giải quyết phi chính thống và đầy tranh cãi của chính mình. Những biện pháp nổi bật là kiểm soát có lựa chọn trao đổi ngoại hối bao gồm việc huỷ bỏ giá trị đồng ringgit ở nước ngoài, áp đặt tỷ giá hối đoái ở mức 3,8 ringgit đổi một đôla Mỹ và nghiêm cấm tất cả việc rút vốn trong vòng 12 tháng. Chính phủ còn cho thành lập hai cơ quan riêng biệt là Danaharta và Danamodal nhằm giải quyết những vấn đề gặp phải của các tập đoàn trong cuộc khủng hoảng như vấn đề các khoản nợ tồn không hoạt động và việc tư bản hoá các nhà băng. Ngoài ra còn có các chương trình và biện pháp khác nhằm thúc đẩy nền kinh tế dưới sự điều hành của Hội đồng. Sau hai năm cuộc khủng hoảng dần đi qua và Malaysia tiếp tục trên con đường phát triển kinh tế mà không cần có sự giúp đỡ nào từ bên ngoài về mặt tài chính, thể chế hay chuyên môn. Rõ ràng điều này chỉ có thể đạt được khi có sự chung sức đồng lòng giữa các nhà quản lí giỏi nhất của cả khu vực tư nhân và nhà nước cùng những nhà quy hoạch với những người trực tiếp hoạt động kinh tế và các chuyên gia dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ và thực dụng của Thủ tướng. Sự kết hợp đồng tâm hiệp lực phải được đặt dưới sự lãnh đạo của tầng lớp tinh hoa chính trị có kiến thức về vấn đề gặp phải và phải đủ dũng cảm để đưa ra các quyết định chính trị khi cần thiết, thậm chí áp đặt các chính sách không được ủng hộ nhằm vượt qua khủng hoảng. Thời kỳ này kết thúc một cách tích cực và như vậy đã có đến 3 thập kỷ cải cách hành chính trong lĩnh vực công. Khi phân tích những nỗ lực và chương trình cải cách hành chính của Malaysia trong 4 thập niên qua và dựa trên những số liệu thực tiễn thu được trong cuộc điều tra ý kiến của hơn 500 công chức, bài viết cho rằng những chương trình này đã có những đóng góp to lớn trong việc nâng cao hiệu quả, năng xuất của hệ thống hành chính Malaysia nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia. Tóm lại, những cải cách hành chính đã được bắt đầu ngay từ đầu thập kỷ 60, chỉ một vài năm sau khi Malaysia giành độc lập và không hề bị gián đoạn, đi từ những cải cách rất nhỏ như việc đeo thẻ ghi tên đến hệ thống quản lí chất lượng và sử dụng thư điện tử. Có được điều này là do Chính phủ dân tộc sau ngày độc lập đã luôn nghiêm túc trong việc tiến hành những cải cách hành chính dưới sự lãnh đạo của các cá nhân kiệt xuất như Tun Abdul Razak và Tiến sỹ Mahathir. Những nhà lãnh đạo chính trị không hề đơn độc, ngược lại họ nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo cao nhất trong ngành hành chính. Luôn có một sự đồng tâm hiệp lực giữa những nhà lãnh đạo chính trị và các công chức cấp cao nhằm thay đổi bộ máy hành chính để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Các nhà chính trị phải có nhiệm vụ cải thiện cuộc sống của những người dân nghèo nói riêng và mọi công dân nói chung. Mặt khác, những công chức, nhiều người có nguồn gốc xuất thân rất khiêm tốn, luôn ghi nhớ nhiệm vụ phát triển đất nước. Không phải ở tất cả các quốc gia đang phát triển khác đều có được điều này nhưng ở Malaysia nguồn gốc xuất thân và sự đào tạo đã khiến họ ý thức được những vấn đề chung mà các nước trên thế giới thứ ba đang gặp phải như đói nghèo, thất học, bệnh tật. Cùng với giới lãnh đạo chính trị, họ đã quyết tâm đem lại thành quả phát triển cho tất cả người. |
Theo caicachhanhchinh.gov.vn
(Văn Ngọc – Lược" dịch theo tài liệu "nền hành chính Malaysia –
trải qua 4 thập kỷ phát triển)